hành động khác đi hay sao?”, thậm chí, “Tôi vừa hành động thế đấy à?”.
Các hành động tự nhiên có thể do bẩm sinh. Ví dụ, hít thở; chớp mắt; bú,
nuốt sữa.
Trong mục này, người viết muốn nhấn mạnh loại hành động tự nhiên
khác, hình thành do con người sống, học tập, làm việc trong xã hội, được
thúc đẩy bởi các thói quen tự nguyện. Dưới đây là một số hành động loại đó:
Các buổi sáng thức dậy vào đúng giờ nhất định, vệ sinh cá nhân, thu
dọn chăn màn, thay quần áo đi học hoặc đi làm mà chính người hành
động không chú ý đến những hành động của mình.
Đi xe ngoài đường, mặc dù có những tình huống phức tạp, người đi xe
vẫn khéo léo xử lý, vẫn chấp hành luật giao thông nhưng chính người
đi xe dường như không thực sự chú ý về các hành động đi xe của mình.
Người đánh đàn dương cầm, hai tay như múa trên mặt đàn, vừa đánh
vừa nói chuyện với người khác mà không sai một lỗi nhỏ. Người đánh
đàn không chú ý đánh đàn mà hành động vẫn rất chuẩn.
Có những người, tuy không giàu nhưng coi công việc làm từ thiện như
lẽ sống. Họ làm một cách tự nguyện, không khoe khoang, không cần ai
động viên, khen thưởng.
Trong phóng sự của mình, đăng trên báo Thanh Niên 2/8/2005, Đình
Phú kể về cậu bé 15 tuổi, Rơ Chăm Tư làng Păng Gol, xã Ia Hrung,
huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Rơ Chăm Tư đã 6 lần dũng cảm lao xuống
suối Ia Grăng chảy xiết cứu sống 5 người. Lần đầu tiên xảy ra vào năm
2001, khi Rơ Chăm Tư mới 11 tuổi, đã cứu được bạn mình là Hồ Ngọc
Cường. Đình Phú viết: “Trong một cuộc trò chuyện với tôi, sự kiêu
hãnh và tự hào hầu như không xuất lộ tí gì trên nét mặt sạm đen, rắn
rỏi của cậu bé Jrai này. Cậu nhiều khi quên bẵng những chiến tích của
mình... Giọng tiếng Kinh lơ lớ, Rơ Chăm Tư nhắc khéo chúng tôi: “Các
anh đừng hỏi Tư nghĩ gì trước lúc nhảy xuống cứu người. Tư không
nghĩ gì cả. Thấy người gặp nạn thì làm vậy thôi”.