Có những người chơi đề, dù tán gia, bại sản vẫn lao vào. Dường như
những hậu quả xấu không được họ để ý đến.
Có những người buôn lậu, thậm chí, sau nhiều lần bị bắt, bị đi tù, ra
khỏi tù vẫn tiếp tục buôn lậu như cũ.
Như vậy, các thói quen tự nguyện là các động lực trực tiếp thúc đẩy các
hành động quen thuộc (các thói quen – theo cách hiểu thông thường), được
thực hiện với sự chú ý không đáng kể của chủ thể, trong các tình huống quen
thuộc. Còn bản thân thói quen, theo cách hiểu thông thường, là hành động
mà việc thực hiện nó trở thành nhu cầu của cá nhân. Nếu không thực hiện
hành động đó, cá nhân cảm thấy khó chịu, không yên. Một mặt, hành động
được thúc đẩy bởi các thói quen tự nguyện có thể tốt, có thể xấu, rất đa dạng
về hình thức và mức độ phức tạp. Mặt khác, bạn đọc có thể nhận thấy, thay
đổi loại hành động nói trên rất khó. Có nhà nghiên cứu nhận xét, các thói
quen của một người là bản chất của người đó.
Có câu hỏi đặt ra: “Các thói quen tự nguyện được hình thành như thế
nào?”. Câu trả lời chung là: “Các thói quen tự nguyện là kết quả sự tương
tác giữa cá nhân và môi trường (hiểu theo nghĩa rộng nhất) với những điều
kiện phù hợp”. Dưới đây người viết cố gắng giải thích rõ hơn.
Như chúng ta đã biết từ những mục trước của chương này: Về nguyên tắc,
hành động của cá nhân, tác động lên khách thể và môi trường, xuất phát từ
các nhu cầu cá nhân và nhằm thỏa mãn chúng. Các hành động đó có thể
đúng hoặc sai. Các hành động đúng (hiểu theo nghĩa thỏa mãn nhu cầu) giúp
tạo thành các xúc cảm dương thúc đẩy hành động tương tự trong tương lai
và các hành động sai – các xúc cảm âm giúp ngăn chặn những hành động
tương tự trong tương lai (xem Hình 37: Sự hình thành xúc cảm). Tuy nhiên,
trong nhiều trường hợp, các tiêu chuẩn để đánh giá “đúng”, “sai” không
khách quan, rạch ròi và cố định mà thay đổi tùy theo từng cá nhân, từng môi
trường và từng cách tương tác giữa cá nhân, khách thể và môi trường cụ thể.
Ví dụ, hành động nói dối trong môi trường lành mạnh có thể dẫn đến những
khả năng như: