Trạng thái bất định là trạng thái, ở đó chủ thể dự đoán vài kết quả có thể
có và không biết kết quả nào trong số đó chắc chắn xảy ra. Nhờ thông tin,
chủ thể dự đoán chính xác hơn. Nói cách khác, trạng thái bất định của chủ
thể giảm đi.
2. Thông tin là tất cả những gì bổ sung vào các kiến thức, niềm tin và giả
thiết của chủ thể nhờ nhận thông tin đó.
Thông tin là phương thức để tích lũy kiến thức.
3. Thông tin là bất kỳ kích thích nào lên chủ thể mà cuối cùng chủ thể
cảm nhận được.
Các kích thích có thể đến từ bên ngoài, tác động lên các cơ quan cảm giác
như chữ viết, ký hiệu, hình vẽ, lời nói, âm thanh nói chung, mùi, vị, nóng,
lạnh... Các kích thích có thể được tạo ra bên trong như các hình ảnh, biểu
tượng, ý nghĩ, nói thầm trong đầu, các xúc cảm...
4. Thông tin là nội dung của tất cả những thay đổi, được lưu giữ hoặc/và
truyền đi tiếp của đối tượng phản ánh (hiểu theo nghĩa rộng nhất), tạo thành
bởi tác động của đối tượng bị phản ánh (hiểu theo nghĩa rộng nhất) lên đối
tượng phản ánh.
Người viết cố gắng giải thích rõ hơn định nghĩa thứ tư. Từ “đối tượng”
được hiểu theo nghĩa rộng nhất, nó có thể là bất kỳ cái gì. Tác động của đối
tượng này lên đối tượng kia, thực chất là tương tác: Tác động qua lại giữa
hai đối tượng, chứ không chỉ là tác động một chiều. Do tương tác, về mặt
nguyên tắc, cả hai đều có những thay đổi. Nội dung của những thay đổi này
là thông tin. Những thay đổi này có thể phân ra theo hai cách xem xét (tương
ứng với hai chiều tác động) bổ sung cho nhau. Giả sử ta gọi đối tượng thứ
nhất là đối tượng bị phản ánh, lúc đó, đối tượng thứ hai là đối tượng phản
ánh và chiều tác động được xem xét ở đây là tác động từ đối tượng thứ nhất
lên đối tượng thứ hai, tạo ra những thay đổi trong đối tượng thứ hai hoặc/và
truyền đi tiếp. Nội dung những thay đổi này là thông tin về đối tượng thứ
nhất (đối tượng bị phản ánh).