không. Khi cần, chúng ta có thể thay đổi cách xem xét, do vậy chuyển sang
dùng định nghĩa khác tương ứng và làm tương tự như đã nói ở trên. Khi giao
tiếp chúng ta cần nói rõ cho người nghe biết mình dùng định nghĩa gì và tìm
hiểu định nghĩa mà người đối thoại dùng. Có khi, chúng ta phải thử dùng
định nghĩa của người đối thoại để hiểu, từ đó mới có thể thảo luận hoặc
tranh luận tiếp. Tóm lại, chúng ta nên nhìn và sử dụng các định nghĩa khác
nhau về cùng một đối tượng như những gì có thể bổ sung, hỗ trợ nhau, rồi
hoàn thiện dần các định nghĩa căn cứ vào các kết quả thực tiễn, hơn là ngay
từ đầu chỉ giữ khư khư một cách xem xét theo một định nghĩa nhất định.
Trong bộ sách “Sáng tạo và đổi mới”, nếu như không có những chú thích
riêng kèm theo, người viết sử dụng khái niệm thông tin theo định nghĩa thứ
ba với nội dung rộng hơn: Những thông tin như vậy có thể là tri thức thấy
ngay (giống định nghĩa một và hai); có thể là tri thức sau những biến đổi
thông tin nhất định nhờ bộ óc mà không phải chủ thể nào cũng làm được; có
thể chỉ là những kích thích vô nghĩa, vô giá trị đối với chủ thể nhưng trong
tương lai lại thành tri thức; có thể chỉ là những kích thích vô nghĩa, vô giá trị
trong suốt cuộc đời của chủ thể...
Khi xem xét mô hình tư duy (Hình 43 và Hình 44), nhìn theo quan
điểm thông tin, đập ngay vào mắt chúng ta là ở đây có quá trình truyền
thông tin trong không gian, thời gian và quá trình biến đổi thông tin từ
hình thức này sang hình thức khác. Vậy các quá trình trên xảy ra như
thế nào? phụ thuộc vào những gì? làm sao để quá trình truyền thông tin
thông suốt? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu để trả lời những câu hỏi này,
trước hết, nhờ lý thuyết thông tin (xem tiếp các mục nhỏ từ 6.3.2 đến
6.3.4).
Ngoài ra, mô hình tư duy còn phản ánh sự tương tự nhất định giữa các
hoạt động của tư duy và máy tính điện tử nói riêng, điều khiển học
(Cybernetics) nói chung (xem mục nhỏ 6.3.5 và Chương 7: Điều khiển học:
Điều khiển hành động và thế giới bên trong con người sáng tạo).