Bạn đọc có thể tự lấy thêm nhiều ví dụ khác về quá trình truyền thông tin
và phân tích ra, bạn cũng thấy nhiều điểm tương tự như ví dụ nói trên.
C.E. Shannon đưa ra mô hình khái quát hóa các quá trình truyền thông tin
cụ thể dưới dạng sơ đồ khối, xem Hình 45.
Hình 45: Mô hình một chuỗi truyền thông tin
Một chuỗi truyền thông tin, trong trường hợp chung có năm bộ phận:
Phát, mã hóa, kênh truyền, giải mã và thu thông tin.
Bộ phận phát thông tin là bộ phận từ đó thông tin xuất phát để truyền đi,
ví dụ, óc của thầy giáo. Bộ phận phát thông tin không nhất thiết phải là bộ
phận khởi đầu tạo thông tin. Ví dụ, đài truyền hình phát hình ảnh của một
trận bóng đá. Bộ phận phát là đài truyền hình còn sân vận động, nơi diễn ra
trận đấu mới là nơi khởi đầu tạo ra thông tin.
Kênh truyền là môi trường hoặc phương tiện nối bộ phận phát và bộ phận
thu thông tin để thông tin truyền được trong đó. Ví dụ, môi trường không
khí giữa thầy giáo và học sinh.
Thông tin do bộ phận phát gởi đi thường có hình thức không thích hợp
với kênh truyền. Ví dụ, các ý nghĩ trong đầu thầy giáo là thông tin của bộ
phận phát (bộ óc). Thông tin dưới dạng các ý nghĩ không truyền được trong
không khí (kênh truyền). Trong khi đó, âm thanh lại truyền tốt hơn nhiều. Ở
đây, cần có bộ phận biến đổi hình thức thông tin từ ý nghĩ sang âm thanh thì
thông tin mới có thể truyền được trong kênh truyền là môi trường không khí.
Trên thực tế, thầy giáo đã biến đổi các ý nghĩ của mình thành âm thanh (lời
nói), chuyển động trong không khí đến học sinh. Khái quát lên, bộ phận làm