Ở diễn đàn QH, có ĐB đã chất vấn bộ trưởng Bộ công an Lê Hồng Anh là
“hành vi đó có phải là hành vi phạm tội không; có tiến hành tố tụng hình sự
hay không?”. Tôi nhìn ở một phía khác: Cả nước đang trong cuộc vận động
lớn “tiết kiệm, chống lãng phí” thì cán bộ chính là người phải gương mẫu,
không được và không nên nhận tiền bồi dưỡng khi việc không liên quan đến
công sức lao động của mình. Đó còn là lòng tự trọng. Thậm chí tôi còn nghe
dư luận rằng đây là một lần bắt gặp chứ không phải là lần đầu tiên. Tôi
không suy diễn nhưng tôi nghĩ dư luận có cơ sở để suy diễn. Một người lần
đầu vi phạm thì họ sẽ không hớ hênh để “quên” như vậy đâu.
* Dư luận cũng “có quyền” suy diễn: Trả lời chất vấn của Bộ trưởng,
Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao thấp thoáng sự bao bọc, che chắn.
Thưa ông, ông nghĩ như thế nào?
– Tôi không dám qui kết là bao bọc, che chắn. Nhưng tôi cho là xử sự thụ
động. Nếu cấp phó của tôi vi phạm tôi chủ động xử lý ngay. Tôi không thể
cộng tác, nhận sự giúp việc của một cấp phó như vậy. Tất nhiên hiện nay
hầu hết các cơ quan hành chính của chúng ta là cấp trưởng không có quyền
được chọn cấp phó, thế nhưng với tôi, nếu phó thủ trưởng cơ quan điều tra
của tôi có vi phạm như thế thì ngay tức khắc tôi sẽ đề nghị bãi miễn chức
vụ. Làm việc với cấp phó như vậy sẽ nguy hiểm, cho cả cơ quan và cho cả
bản thân mình.
Tôi không nghĩ là có sự che chắn, bởi tới giờ này thì không ai có thể che
chắn được vụ vỡ lở này. Ý kiến của tôi là: Đồng chí Nguyễn Văn Lâm đã
không đủ uy tín ngay từ khi bổ nhiệm chứ không phải là do vỡ lở vụ này mà
mất uy tín. Nếu đồng chí Nguyễn Văn Lâm tiếp tục làm nhiệm vụ giúp Văn
phòng Chính phủ - thực chất là giúp cho Chính phủ - xây dựng luật pháp
(trong đó có luật phòng, chống tham nhũng) thì tôi không yên tâm.
Vừa rồi QH đã thảo luận và thông qua Luật phòng, chống tham nhũng do
Chính phủ trình. Khi đi vào cuộc sống, chúng ta thấy ngay rằng luật này có
kẽ hở, không hiệu quả. Vì sao? Chính là vì có yếu tố người chỉ đạo xây dựng
luật không đủ phẩm chất.