Chương 8:
TƯ DUY LÔGÍCH
8.1. Mở đầu
Danh từ “lôgích” (Logic – tiếng Anh, Логика – tiếng Nga) thường được
dùng theo những nghĩa sau:
1) Khoa học về các quy luật của tư duy và các hình thức của nó. Ví dụ,
lôgích học hình thức; lôgích học biện chứng.
2) Cách suy luận (suy lý), lập luận, lý lẽ, mặc dù cách đó có thể đúng, có
thể sai. Ví dụ, anh ấy có lôgích của mình; lôgích của kẻ mạnh; lôgích đàn
bà; cách lập luận thiếu lôgích; các vấn đề khai triển có lôgích.
3) Tính hợp lý, chặt chẽ, quy luật nội tại của cái nào đó. Ví dụ, lôgích các
sự vật; lôgích các sự kiện.
Đi ngược thời gian, từ lôgích có gốc Hy Lạp là logos với những nghĩa
như lời nói, ý nghĩ, sự hợp lý, quy luật. Trong số các nghĩa đó, logos có
nghĩa khởi đầu là quy luật phổ biến, cơ sở của thế giới, trật tự và sự hài hòa
của thế giới. Logos là một trong những khái niệm cơ bản của triết học Hy
Lạp.
Như chúng ta biết từ quyển hai (xem Chương 6: Tư duy sáng tạo: Nhìn
theo góc độ thông tin–tâm lý), tâm lý học nghiên cứu quá trình suy nghĩ của
cá nhân dẫn đến các kết quả, sản phẩm của tư duy dưới dạng các khái niệm,
ý tưởng... Tâm lý học nghiên cứu, trả lời các câu hỏi như ý nghĩ này hoặc ý
nghĩ khác của cá nhân phát sinh, phát triển như thế nào? Tại sao? Nói cách
khác, tâm lý học nghiên cứu các quy luật diễn tiến của quá trình tư duy, ở đó
có sự tham gia tích cực của các hiện tượng tâm lý.
Lôgích học hình thức là khoa học nghiên cứu các hình thức của tư duy
như các khái niệm, phán đoán, suy luận, mà không xét đến nội dung cụ thể