Trong quá trình trình bày, người viết không sử dụng các ký hiệu đặc trưng
của lôgích học hiện đại mà diễn giải bằng ngôn ngữ tự nhiên (ngôn ngữ
dùng trong đời sống hàng ngày). Điều này là cần thiết, ít nhất, do hai lý do
sau: 1) Phần lớn các bài toán gặp trong cuộc đời của mỗi người được phát
biểu và suy nghĩ giải bằng ngôn ngữ tự nhiên; 2) Nhiều bạn đọc nhìn thấy
các ký hiệu, liên tưởng ngay đến toán học và trở nên ngần ngại trong việc
tiếp thu các kiến thức của lôgích hình thức.
8.2. Các quy luật cơ bản của lôgích hình
thức
Quy luật được hiểu là sự liên hệ bản chất, phổ biến và lặp lại giữa các
hiện tượng, mà sự liên hệ đó tạo ra sự thay đổi, điều chỉnh các hiện tượng.
Nói cách khác, các quy luật tồn tại một cách khách quan, độc lập với ý thức
của mọi người và thể hiện các mối liên hệ bên trong cơ bản, tất yếu giữa các
sự vật, tính chất của các sự vật hoặc giữa các khuynh hướng khác nhau của
sự phát triển. Trên thực tế, các quy luật rất đa dạng. Biết các quy luật, người
ta có thể giải thích, đoán trước (dự báo) tiến trình của quá trình thay đổi và
sử dụng các quy luật phục vụ cho các nhu cầu của con người.
Theo nghĩa rộng, các quy luật của tư duy lôgích nói chung (hình thức,
biện chứng...) là sự phản ánh lôgích thế giới khách quan trong tư duy chủ
quan của con người: Lôgích khách quan quyết định lôgích chủ quan chứ
không phải ngược lại. Tuy nhiên, lôgích chủ quan có tính độc lập tương đối
của nó, vì tư duy có các quy luật riêng. Nếu như thế giới khách quan có
nhiều khía cạnh thì lôgích hình thức chỉ phản ánh khía cạnh tương đối ổn
định của sự vật. Điều này có nghĩa, lôgích hình thức có phạm vi áp dụng của
mình và ở ngoài phạm vi áp dụng của lôgích hình thức, bạn cần tư duy theo
lôgích khác. Người viết còn quay trở lại vấn đề này trong hai chương sau.
Từ Chương 8: Tư duy lôgích hình thức này, nếu không có chú thích đặc biệt,
đôi khi để cho gọn, các cụm từ “tư duy lôgích hình thức” sẽ được người viết