Đối tượng cho trước không thể vừa là chính nó, vừa không là chính nó.
Tương tự, hai ý nghĩ trái ngược nhau về đối tượng cho trước không thể cùng
một lúc đều đúng. Nếu cả hai cùng đúng thì ở đây có mâu thuẫn lôgích và có
sự vi phạm quy luật về mâu thuẫn. Do vậy, trong hai ý nghĩ trên, nếu ý nghĩ
này đúng thì ý nghĩ kia sai và ngược lại, ý nghĩ kia đúng thì ý nghĩ này sai.
Ví dụ, hai người bạn A và B đang nói chuyện với nhau thì có người bước
vào phòng. A nói: “Ông ấy là ông C đấy”. B nói: “Ông ấy không phải là
ông C, tớ biết mà”. Người bước vào phòng không thể vừa là ông C, vừa
không phải là ông C. Còn nếu A đúng thì B sai, hoặc nếu B đúng thì A sai.
Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp sau: Trước năm 2000, người bước vào
phòng có tên là C nhưng từ năm 2000, người đó đổi tên thành D. Để không
xảy ra mâu thuẫn, những người suy nghĩ về người bước vào phòng phải biết
trước điều đó và trình bày một cách phân biệt. Chẳng hạn A nói: “Trước
năm 2000, ông ấy là ông C đấy”, còn B nói: “Từ năm 2000 đến nay, ông ấy
là ông D, tớ biết mà”.
3) Quy luật triệt tam (bài trung, loại trừ khả năng thứ ba)
Một đối tượng nào đó (hiểu theo nghĩa rất rộng) hoặc có hoặc không có,
không có khả năng thứ ba.
Ví dụ, có ma hoặc không có ma, không có khả năng thứ ba, do vậy, trong
hai ý kiến mâu thuẫn trên, một cái là đúng, một cái là sai; anh ấy học giỏi
hoặc không học giỏi, không có khả năng thứ ba; chị ấy đồng ý hoặc không
đồng ý, không có khả năng thứ ba; ý nghĩ đó đúng hoặc không đúng, không
có khả năng thứ ba...
4) Quy luật lý do đầy đủ
Mọi đối tượng (hiểu theo nghĩa rất rộng) tồn tại đều có các lý do (các
nguyên nhân) để tồn tại. Do vậy, các ý nghĩ phản ánh đúng các đối tượng đó
cũng phải có các lý do đầy đủ.
Các lý do để các đối tượng tồn tại trong hiện thực là các lý do có thật. Ví
dụ, sự trao đổi chất là lý do để các cơ thể sống tồn tại. Khi sự trao đổi chất
ngưng hoạt động, các cơ thể sống cũng chết theo.