thay bằng “tư duy lôgích” và “lôgích hình thức” - “lôgích”. Dưới đây là
các quy luật cơ bản của tư duy lôgích:
1) Quy luật đồng nhất
Đối tượng cho trước (hiểu theo nghĩa rất rộng) là đối tượng cho trước (nó
đồng nhất với chính nó) chứ không phải là đối tượng khác.
Quy luật đồng nhất đòi hỏi người suy nghĩ xác định, nhận dạng đối tượng
cho trước; phân biệt đối tượng cho trước với các đối tượng khác; sử dụng
đối tượng cho trước một cách nhất quán. Các đối tượng thường được đặt tên
bằng các từ ngữ và con người suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Người suy nghĩ cần
bảo đảm mỗi từ, ngữ thể hiện một đối tượng ở trạng thái ổn định, không có
sự thay đổi về chất (không có thêm chất mới hoặc mất đi chất đang có) trong
suốt quá trình suy nghĩ. Tuân thủ quy luật đồng nhất đem lại ích lợi: Người
suy nghĩ một mình có được quá trình suy nghĩ nhất quán, rút ra những kết
luận đúng đắn; những người cùng suy nghĩ có được sự thống nhất, hiểu nhau
khi trao đổi các ý nghĩ, giao tiếp với nhau.
Ví dụ, một người thắng trong một cuộc chơi vật tay với bạn, trong khi
những lần trước thì thua. Anh chỉ vào bắp tay của mình và giải thích lý do:
“Thắng được là nhờ miếng thịt ăn ngày hôm qua đấy”. Anh đã vi phạm quy
luật đồng nhất vì, “miếng thịt” ăn ngày hôm qua và “miếng thịt” trong bắp
tay ngày hôm nay không phải là một. Ví dụ khác, nếu đặt chữ “a” là tên của
âm “a” (đối tượng cho trước) thì trong toàn bộ các văn bản, chữ “a” chỉ thể
hiện âm “a”. Bạn không được dùng những chữ khác hoặc ký hiệu khác để
nói rằng đấy là âm “a”, hoặc lúc nào đó, bạn nói rằng chữ “a” thể hiện đại
lượng gia tốc của chuyển động trong vật lý, mà không thông báo trước cho
chính mình và cho những người khác về sự thay đổi đó. Bạn cũng vi phạm
quy luật đồng nhất.
Quy luật đồng nhất dẫn đến hai quy luật: Quy luật về mâu thuẫn và quy
luật triệt tam, được trình bày tiếp theo sau đây.
2) Quy luật về mâu thuẫn