khái niệm. Khi sử dụng ngôn ngữ, người sử dụng gởi gắm trong mỗi từ ngữ
– khái niệm hai điều:
1) Tập hợp các đối tượng mà từ ngữ đó phản ánh, gọi là ngoại diên của
khái niệm.
2) Hệ thống các tính chất mà tất cả các đối tượng ngoại diên đều có, gọi là
nội hàm (nội dung) của khái niệm. Nhờ nội hàm, người ta có thể xác định
một đối tượng nào đó có thuộc ngoại diên của khái niệm cho trước hay
không.
Ví dụ, khi dùng từ “người”, chúng ta dùng khái niệm “người” với ngoại
diên là tất cả mọi người trên Trái Đất này và nội hàm là các thuộc tính của
con người.
Trong quá trình suy nghĩ, con người có những lúc phải làm thao tác mở
rộng hoặc thu hẹp khái niệm cho trước thành những khái niệm khác; hoặc
chuyển sự suy nghĩ từ khái niệm cho trước sang những khái niệm rộng hơn
hoặc hẹp hơn. Thực chất của mở rộng khái niệm cho trước là xây dựng khái
niệm có ngoại diên rộng hơn khái niệm cho trước. Lúc này, số lượng các
thuộc tính có trong nội hàm của khái niệm mở rộng, giảm đi so với nội hàm
của khái niệm cho trước. Ví dụ, mở rộng khái niệm “người” sang khái niệm
“động vật”, ngoại diên “động vật” rộng hơn ngoại diên “người”. Nội hàm
của “động vật” hẹp hơn nội hàm “người”, vì một số hoạt động, thuộc tính
chỉ có con người mới có như tư duy bằng ngôn ngữ, biết chế tạo và lao động
bằng công cụ phải bỏ ra.
Tương tự như vậy nhưng theo chiều ngược lại, thu hẹp khái niệm là đưa
ra khái niệm có ngoại diên hẹp hơn khái niệm cho trước. Số lượng các thuộc
tính có trong nội hàm của khái niệm thu hẹp, tăng lên so với nội hàm của
khái niệm cho trước. Ví dụ, thu hẹp khái niệm “người” sang khái niệm “các
thầy, cô giáo”, ngoại diên “các thầy, cô giáo” hẹp hơn ngoại diên “người”.
Nội hàm của “các thầy, cô giáo” rộng hơn nội hàm “người”, vì ngoài
những thuộc tính người nào cũng có, cần phải tính thêm thuộc tính: Làm
nghề dạy học.