tư duy. Tuy nhiên, sự phát triển trong tư cách là đối tượng nghiên cứu, tác
động của lĩnh vực sáng tạo và đổi mới hẹp hơn và ở mức độ cụ thể hơn so
với phép biện chứng.
Trong ý nghĩa này, các thành tựu nghiên cứu khác nhau của phép biện
chứng ảnh hưởng, tác động lên, đem lại các ích lợi cho lĩnh vực sáng tạo và
đổi mới cũng khác nhau. Do vậy, trước hết, mục 9.2 này ưu tiên nhấn mạnh
hai thành tựu của phép biện chứng, được coi là quan trọng nhất đối với lĩnh
vực sáng tạo và đổi mới. Đấy là nguyên lý về sự phát triển và các quy luật
cơ bản về sự phát triển của phép biện chứng.
Nói như vậy không có nghĩa, các cặp phạm trù, các nguyên lý khác, lý
thuyết nhận thức... của phép biện chứng không cần thiết. Trái lại, trong bộ
sách “Sáng tạo và đổi mới” ở những nơi có nhu cầu, người viết đã nhấn
mạnh (ví dụ, luận điểm “chân lý luôn luôn là cụ thể” dẫn đến khái niệm
“phạm vi áp dụng” trình bày trong quyển một và hai) và còn quay trở về các
phần khác nhau của phép biện chứng nhiều lần. Tuy nhiên, những khi quay
trở về như vậy, người viết sẽ không trích dẫn chi tiết như đối với nguyên lý
phát triển và các quy luật cơ bản về sự phát triển của phép biện chứng, được
trình bày dưới đây.
Trong hai mục nhỏ tiếp theo, nội dung của nguyên lý về sự phát triển (The
Principle of Development) và các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy
vật được người viết trích từ các phần tương ứng trong “Giáo trình triết học
Mác–Lênin” đã nêu, vì “Giáo trình giữ vai trò làm nền và định hướng cho
việc trình bày một cách thống nhất những quan điểm cơ bản của triết học
Mác–Lênin được giảng dạy ở nước ta” (Sách đã dẫn, Lời giới thiệu, trang
14). Bạn đọc có thể tự ôn tập các phần khác của phép biện chứng duy vật
theo “Giáo trình triết học Mác–Lênin”.
9.2.1. Nguyên lý về sự phát triển của phép biện chứng
Trong quan điểm duy vật biện chứng, phát triển là một phạm trù triết học
dùng để khái quát quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản