- “Đối tượng phải kín (Đ) để đem lại ích lợi này và phải hở (‐Đ) để đem
lại ích lợi kia”.
- ............
Bình thường mà nói, nhìn theo lôgích hình thức kiểu “hoặc là (Đ), hoặc là
(‐Đ)”, các phát biểu kiểu trên luôn bị coi là vô lý, nghịch lý, đừng nói gì đến
việc suy nghĩ tiếp tục để tìm lời giải.
Tư duy biện chứng theo mâu thuẫn đòi hỏi phải tìm ra những “vô lý”,
“nghịch lý” kiểu trên để giải quyết. Khi đã quen, người giải trở nên tự tin và
mừng khi tìm ra mâu thuẫn vật lý. Bởi vì, tìm được mâu thuẫn vật lý là dấu
hiệu của việc suy nghĩ đúng hướng và tạo tiền đề sử dụng các công cụ của
TRIZ để khắc phục mâu thuẫn một cách có hiệu quả.
d) Đối với những người coi lôgích hình thức như là loại lôgích duy nhất
dành cho suy nghĩ, họ càng khó tiếp nhận nội dung lời phát biểu mâu thuẫn
vật lý như sự phản ánh một cái gì đó có thật và lời giải giải quyết mâu thuẫn
vật lý như là sự nhất quán về mặt lôgích.
Chẳng hạn, đối với ví dụ về dây nối ống nghe với máy điện thoại (xem
Hình 114), không ít người cho rằng nội dung của phán đoán “Dây nối phải
ngắn (Đ) để gọn khi không sử dụng điện thoại và phải dài (‐Đ) để thuận tiện
khi sử dụng điện thoại” là không phản ánh hiện thực vì hiện thực chỉ có dây
“hoặc ngắn, hoặc dài” chứ không có dây “vừa ngắn, vừa dài”. Còn việc
đưa ra lời giải là dây nối hình lò xo (hình xoắn) chứ không phải dây nối
dạng thẳng vừa ngắn vừa dài là sự đánh tráo khái niệm (từ thẳng sang cong),
do vậy, không nhất quán về mặt lôgích.
Thực chất câu chuyện là ở chỗ, không nên sử dụng lôgích hình thức ra
ngoài phạm vi áp dụng của nó. Như chúng ta đã biết từ “Chương 8: Tư duy
lôgích”, lôgích học hình thức là bộ môn khoa học nghiên cứu các hình thức
và quy luật của tư duy như sự phản ánh sự vật, hiện tượng ở trạng thái ổn
định tương đối. Trong khi đó, lôgích biện chứng nghiên cứu các hình thức
và quy luật của tư duy như sự phản ánh sự vật, hiện tượng trong sự vận
động, phát triển của chúng.