mức phát triển cao. Bạn thử xem con người có phải là đối tượng như vậy
không? Mặt khác, nếu đối tượng trong bài toán của bạn thuộc loại đối tượng
nói trên, khi giải bài toán, bạn cần phải tính đến sự phong phú, đa dạng của
các cặp mặt đối lập có trong đối tượng đó để ra quyết định phù hợp. Bởi vì,
chỉ có đa dạng mới điều khiển được đa dạng (xem mục 7.2. Điều khiển học:
Một số ý tưởng cơ bản chung của quyển hai).
i) Trong cuộc sống công việc, chúng ta thường xuyên phải giao tiếp với
những người khác. Có những tình huống giao tiếp, ở đó, chúng ta cần phải
tiến hành thương lượng, đàm phán (Negotiation) với những người khác để
đạt những giải pháp thỏa mãn các nhu cầu (quyền lợi) của mình dưới dạng
các mục đích do mình đề ra. Những tình huống đó có thể là mặc cả khi mua
bán (theo nghĩa rộng nhất), thỏa thuận để có được sự nhất trí, thảo luận công
việc làm ăn, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp...
Những tình huống nói trên có thể coi là các vấn đề và những người giải
quyết vấn đề là những người thuộc hai phía (hoặc nhiều phía) của quá trình
thương lượng, đàm phán. Vấn đề “đàm phán” là vấn đề đặc biệt, ở chỗ, các
phía đàm phán thường có những mục đích cần đạt khác nhau, trái ngược
nhau, thậm chí, loại trừ nhau. Vấn đề “đàm phán” không giống như vấn đề
của một người, do chính người đó giải, không ảnh hưởng gì đến những
người khác.
Dưới đây, người viết nhấn mạnh một số khả năng có thể xảy ra trong đàm
phán như:
- Hai phía đàm phán với các mục đích loại trừ nhau đều muốn mình
thắng, còn phía đối phương thua. Ở đây có khả năng thứ nhất là đàm phán
thất bại: Không đi đến giải pháp nào cả. Vấn đề chưa được giải quyết, vẫn
còn đó và có nguy cơ trở nên lớn hơn.
Khả năng thứ hai là có giải pháp dưới dạng một bên thắng, lúc đó phía
bên kia thua (giải pháp thắng–thua – “Win–Lose Solution”). Chắc chắn bên
thua sẽ không hài lòng, họ có thể đưa giải pháp ra kiện cáo, hoặc chấp nhận
thua một lần và không bao giờ cộng tác với bên thắng trong tương lai. Nói
cách khác, vẫn có nguy cơ nảy sinh vấn đề mới.