Hình ảnh Portos trong gương chính là Portos mà lại không phải là Portos,
giúp giải quyết mâu thuẫn vật lý. Có thể đi đến ý tưởng này nhờ nguyên tắc
sáng tạo 26: Sao chép (Copy) của TRIZ.
Ví dụ 2:
“Vào năm 800 trước Công nguyên, Giáo hoàng La Mã tấn phong Carl lên
ngôi đại đế. Đối với Carl, đây là vấn đề nghiêm trọng. Bởi vì, phải có Giáo
hoàng đội vương miện lên đầu nhà vua. Dưới mắt quần thần, những người
tham dự lễ, các thần dân, điều này chứng tỏ Carl trở thành nhà vua một cách
hợp pháp, nhờ sự đồng ý của Giáo hội. Mặt khác, Carl cũng hiểu rằng, cứ để
Giáo hoàng làm như vậy hóa ra Giáo hoàng ban cho mình quyền lực (làm
vua). Do vậy, lúc nào không thích, Giáo hoàng có thể tước ngôi vua của
mình.
Mọi việc đều diễn ra bình thường trong buổi lễ. Nhưng khi Giáo hoàng
nhấc vương miện để chuẩn bị đội lên đầu Carl, thay vì ngồi yên cho Giáo
hoàng đội, Carl “cướp lấy” vương miện từ tay Giáo hoàng và tự đội lên đầu
mình”. (Theo G.S. Altshuller).
Chúng ta có thể tưởng tượng chi tiết hơn. Carl đại đế muốn gởi một thông
điệp tới Giáo hoàng: Tôi tự giành lấy quyền lực (làm vua) chứ không phải
ngài ban cho tôi, do vậy, ngài đừng nghĩ đến chuyện phế truất tôi. Nhưng
làm thế nào? (MH).
Nếu không cho Giáo hoàng đội vương miện cho mình (Carl) thì Giáo
hoàng hiểu rằng mình tự lên ngôi (tự giành quyền lực), Giáo hoàng không
có quyền phế truất nữa (A↑), nhưng việc lên ngôi không được coi là chính
thức, các quan, quân, thần dân sẽ không phục, thậm chí, có nguy cơ nội
chiến (B↓) (MK-1).
Nếu để Giáo hoàng đội vương miện cho mình như đối với các vị vua
trước đây thì việc lên ngôi là chính thức, mọi người phải tuân theo các chiếu
chỉ của vua ban (B↑), nhưng Giáo hoàng không biết gì về thông điệp cảnh
cáo Giáo hoàng của mình (A↓) (MK-2).