Kerry im lặng thật lâu. Sau đó ông nói: “Tôi có ý kiến này, David. Tôi có
một đồng xu ngay tại đây, chúng ta hãy thử chơi trò sấp ngửa... anh nói đi”.
David, ở đầu dây bên kia bối rối đằng hắng và ngập ngừng: “Thôi được...
tôi chọn ngửa”. Kerry tung đồng xu rồi nói: “Anh thắng”. (Theo M.H.
McCormack).
Qua tình huống này chúng ta có thể thấy, khi David nói: “Kerry, tôi thực
sự cần 175.000 đôla”, đây không còn là cuộc mặc cả, mua bán sòng phẳng
bình thường, mà là lời đề nghị bạn bè giúp đỡ và quả thật, Kerry có ý giúp
bạn. Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn chúng ta còn thấy, Kerry có phần lưỡng lự,
thể hiện ở chỗ “im lặng thật lâu” và đề nghị “hãy thử chơi trò sấp ngửa”.
Chúng ta thử tưởng tượng, sau khi nghe David đề nghị được giúp đỡ,
Kerry dù sẵn lòng và có khả năng giúp bạn nhưng nếu ra quyết định giúp
ngay, thì sự kiện này có thể trở thành tiền lệ xấu kiểu “quen mui thấy mùi ăn
mãi”. Do vậy, Kerry không coi tình huống xảy ra với mình là tình huống
bình thường mà là vấn đề (MH).
Nếu mình (Kerry) giúp David thì quan hệ bạn bè được củng cố, phát triển
(A↑) nhưng điều đó có thể trở thành tiền lệ xấu (B↓) (MK-1).
Nếu mình không giúp David thì sẽ không có tiền lệ xấu (B↑) nhưng quan
hệ bạn bè bị sứt mẻ nghiêm trọng (A↓) (MK-2).
Mình phải giúp David (Đ) để củng cố, phát triển quan hệ bạn bè và không
giúp David (‐Đ) để không xảy ra tiền lệ xấu (ML).
David và Kerry nói chuyện qua điện thoại, tức là không nhìn thấy nhau.
Kerry đã có chủ ý giúp bạn nên đầu dây bên kia David chọn sấp hoặc ngửa,
dù không trùng với kết quả tung đồng xu ở đầu dây bên này, Kerry vẫn để
cho David thắng. Để tránh tiền lệ, Kerry gắn việc giúp David với quá trình
ngẫu nhiên là tung đồng xu. Tóm lại, với cách làm này, Kerry đã giải quyết
mâu thuẫn vật lý nói trên.
Ý tưởng giải quyết mâu thuẫn ở đây có thể được tạo ra nhờ tổ hợp các
nguyên tắc 11. Dự phòng, nguyên tắc 8. Phản trọng lượng và nguyên tắc 25.
Tự phục vụ của TRIZ.