(vật) chất, năng lượng, thông tin và các tổ hợp của chúng. Tập hợp các mối
liên kết giữa các yếu tố được gọi là cấu trúc của hệ thống.
Tùy theo cách xem xét mà có những trường hợp yếu tố và mối liên kết có
thể đổi vai trò cho nhau. Điều này có nghĩa, trong cách xem xét này, bộ phận
cho trước đóng vai trò yếu tố; trong cách xem xét khác, nó đóng vai trò mối
liên kết.
Ví dụ, đối với rổ tre, trong cách xem xét này, các nan ngang có thể coi là
các yếu tố, còn các nan dọc là các mối liên kết, liên kết các nan ngang lại với
nhau. Trong cách xem xét khác, chính các nan ngang lại có thể coi là các
mối liên kết, liên kết các nan dọc với nhau.
Có những trường hợp mối liên kết nằm ngoài yếu tố, có thể tách riêng ra.
Ví dụ, các ốc vít, bù loong dùng để gắn kết các bộ phận khác nhau trong
máy móc có thể tháo rời ra. Có những trường hợp mối liên kết là thuộc tính
không thể tách rời của yếu tố, không tách riêng ra được. Ví dụ, hai điện tử
đẩy nhau khi tương tác với nhau. Bạn không thể tách riêng lực điện (điện
trường) ra khỏi điện tử, hay điện tích nói chung.
Một hệ có n yếu tố, về mặt khả năng, nó có thể có n (n-1) các mối liên
kết. Bởi vì, một yếu tố bất kỳ của hệ thống có thể tác động lên (n-1) yếu tố
còn lại và trong hệ thống có tất cả n yếu tố như thế. Tuy nhiên, trong thực tế,
tất cả n (n-1) các mối liên kết không phải có ngay từ đầu khi hệ thống vừa
mới ra đời mà thường ít hơn. Sau đó, số lượng, tính chất của các mối liên kết
thay đổi theo thời gian. Nói cách khác, một yếu tố không phải ngay từ đầu
đã tác động lên tất cả các yếu tố còn lại của hệ thống. Ví dụ, đứa bé mới sinh
liên kết chủ yếu với mẹ, bố, những người ruột thịt trong gia đình; đi học có
thêm các mối liên kết với thầy cô, bạn học...
4) Tính toàn thể – Wholeness (tính hệ thống – Systemness) là sự thay đổi
về chất, chưa xuất hiện trước đó khi hệ thống chưa hình thành: Hệ thống có
(những) tính chất mà từng yếu tố, từng mối liên kết đứng riêng rẽ không có.
Đấy cũng chính là luận điểm “cái toàn thể lớn hơn tổng các bộ phận của
nó”, phản ánh đặc thù của hệ thống so với các bộ phận và các mối liên kết
cấu thành hệ thống. Tính toàn thể thường thể hiện thành các tính chất toàn