Hình 127: Một số cách kết hợp các hệ thống
Rõ ràng, hệ thống mới có tính toàn thể mới, không thể quy về thành tính
toàn thể của từng hệ thống thành phần kết hợp nên nó. Nhằm mục đích này,
người ta có thể chủ động thiết kế, chế tạo những hệ thống mới bằng cách kết
hợp những hệ thống đã có để tạo ra sự phát triển. Hoặc, hệ tự phát triển có
thể sử dụng khả năng này để có được mức độ phát triển cao hơn.
Trên thực tế, loại hệ thống chỉ có một đầu vào và một đầu ra là trường
hợp khá đặc biệt. Thông thường, một hệ thống có thể có nhiều (từ hai trở
lên) đầu vào và đầu ra. Chưa kể, số lượng đầu vào, đầu ra của hệ thống có
thể thay đổi theo thời gian. Ngoài ra, còn phải tính đến tác động của môi
trường lên hệ thống mà tác động đó có thể xảy ra với toàn bộ hệ thống (với
tất cả hoặc với số lượng lớn các yếu tố, các mối liên kết cấu thành hệ thống)
chứ không chỉ với các đầu vào hoặc/và đầu ra.
10) Đối với hệ có tính toàn thể phức tạp (đa chức năng, đa mục đích, đa
tính chất, đa ý nghĩa...) mang tính khách quan hoặc chủ quan, người ta có
thể xem xét riêng từng chức năng, từng ý nghĩa..., tùy theo nhu cầu, sự quan
tâm của mình... Cách xem xét này gọi là chiều xem xét hệ thống.
Ví dụ, người ta có thể xem xét một mảnh đất theo những góc độ khác
nhau: địa lý; địa chất; địa hình; làm nông nghiệp; làm du lịch; để ở; làm nơi
đặt tượng đài; làm đường giao thông; xây sân vận động; hội chợ... Nếu có N
cách xem xét hệ thống cho trước thì N cách đó có thể biểu diễn thành N
hướng, mỗi hướng tương ứng với một cách xem xét (xem Hình 128).