Ngoài ra, khi suy nghĩ làm bất kỳ công việc gì, bạn nên quan niệm công
việc đó như là hệ thống và vận dụng tất cả những gì liên quan đến hệ thống
vào công việc của bạn. Nói cách khác, tư duy hệ thống không chỉ cần thiết
cho quá trình suy nghĩ và thực hiện giải bài toán khi bạn có bài toán, mà còn
giúp bạn làm tốt hơn những công việc bạn cần phải làm, dù đấy là những
công việc bạn tưởng là nhỏ. Người viết còn quay trở lại vấn đề này và bàn
chi tiết hơn trong điểm 11 của mục nhỏ này.
Vậy tư duy hệ thống là gì?
2) Tư duy hệ thống là quá trình suy nghĩ của người giải, sao cho người
giải không chỉ thấy, hiểu, xử lý thông tin... về hệ có trong bài toán và bài
toán như là hệ thống mà, về mặt nguyên tắc, toàn bộ các hệ có trong không
gian hệ thống. Ít nhất, người giải phải thấy, hiểu, xử lý thông tin... về 9N hệ
(đối với hệ có N chiều xem xét) và môi trường; hoặc 9 hệ (đối với hệ có một
chiều xem xét) và môi trường.
Giả sử người giải có bài toán về một công ty làm ăn thua lỗ. Người giải
cần xác định hệ thống có trong bài toán. Trong trường hợp này, đó là công
ty. Để xây dựng và sử dụng không gian hệ thống (xem Hình 132 và Hình
133), trong ba trục, người giải cần lựa chọn trục “chiều xem xét hệ thống”
đầu tiên. Căn cứ vào đòi hỏi, ngữ cảnh của bài toán và cách tiếp cận chủ
quan của mình, người giải cần xác định số lượng các chiều xem xét hệ
thống. Nếu tìm ra N chiều xem xét hệ thống, người giải lấy ra N tờ giấy rời,
viết tên chiều xem xét tương ứng lên từng tờ giấy, từ 1 đến N và vẽ hai trục
kia của không gian hệ thống: “thời gian”; “thang bậc hệ thống” (xem Hình
132).
Tiếp theo, trên từng tờ giấy (ứng với chiều đang xem xét hệ thống), người
giải vẽ các ô mà mỗi ô là một hệ thống với tên gọi tương ứng như: hệ hiện
tại, hệ quá khứ, hệ tương lai; hệ dưới hiện tại, hệ dưới quá khứ, hệ dưới
tương lai; hệ dưới nữa hiện tại; hệ dưới nữa quá khứ, hệ dưới nữa tương lai;
hệ trên hiện tại, hệ trên quá khứ, hệ trên tương lai; hệ trên nữa hiện tại, hệ
trên nữa quá khứ, hệ trên nữa tương lai;...