Người giải điền vào trong từng ô những thông tin và xây dựng các mô
hình cần thiết, ít ra, dưới dạng các hình vẽ tương tự như các Hình 123, Hình
130 về hệ thống ứng với ô đó, cứ như thế... cho đến hết tất cả các ô của
không gian hệ thống. Sau đó, người giải bài toán chuyển sang giai đoạn tiếp
thu tất cả những thông tin đã viết ra trong các ô trên tất cả các tờ giấy, xử lý
chúng, phát các ý tưởng giải bài toán (xem mục 6.2. Mô hình quá trình suy
nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định) dưới góc độ của các khái niệm, luận
điểm, ý tưởng chung về hệ thống. Tương tự, người giải lặp lại quá trình nói
trên đối với bài toán như là hệ thống. Về nguyên tắc, suy nghĩ như vậy gọi là
tư duy hệ thống.
Rõ ràng, tư duy hệ thống một cách đầy đủ như mô tả ở trên là công việc
rất lớn, nếu như không nói là vô cùng lớn, đòi hỏi nhiều thời gian, sức lực,
trí lực. Nhằm mục đích đơn giản hóa, người ta đưa ra yêu cầu tối thiểu đối
với tư duy hệ thống: Ít nhất, người giải phải thấy, hiểu, xử lý thông tin... về
9N hệ (đối với hệ có N chiều xem xét) và môi trường hoặc 9 hệ (đối với hệ
có một chiều xem xét) và môi trường. Chín hệ: Hệ hiện tại, hệ quá khứ, hệ
tương lai; hệ trên hiện tại, hệ trên quá khứ, hệ trên tương lai; hệ dưới hiện
tại, hệ dưới quá khứ, hệ dưới tương lai (xem Hình 134) được gọi là “màn
hình 9 hệ” hoặc “hệ 9 màn hình”. Đây là yêu cầu tối thiểu, tùy bài toán, tùy
điều kiện, tùy khả năng... người giải có thể mở rộng số lượng hệ thống chứ
không chỉ dừng lại ở 9 hoặc 9N hệ thống và môi trường.
Hình 135 mô tả màn hình 9 hệ với hệ thống là công ty trong chiều xem
xét công ty như một đơn vị thuộc tổng công ty về mặt tổ chức.