người giải nên bắt đầu điền thông tin vào ô hệ trên tương lai (trong trường
hợp này là tổng công ty tương lai). Lý do ở đây là, theo lôgích thang bậc hệ
thống, tính toàn thể hệ trên quy định các tính toàn thể của các hệ và tính toàn
thể của hệ quy định các tính toàn thể của các hệ dưới. Mặt khác, theo lôgích
thời gian, mục đích cần đạt trong tương lai quy định hiện tại cần phải làm
những gì, theo những kế hoạch nào để tương lai mới thực sự biến thành hiện
thực.
(Những) người giải lần lượt tập trung phát ý kiến và điền chúng vào từng
ô một cách khách quan mà chưa cần đào sâu, bình luận hoặc phê phán, chỉ
trích gì: Hệ trên tương lai, hệ tương lai, hệ dưới tương lai, hệ trên hiện tại,
hệ hiện tại, hệ dưới hiện tại, hệ trên quá khứ, hệ quá khứ, hệ dưới quá khứ.
Đối với ba hệ tương lai, rất cần trí tưởng tượng và tầm nhìn (Vision) của
(những) người giải bài toán. Mục 10.4 của chương này được dành riêng nói
về các hệ thống tương lai.
Sau khi phát và điền tất cả các thông tin, (những) người giải cần đi tìm
các câu trả lời các câu hỏi trong các ô nếu có. Có thể có hai trường hợp. Thứ
nhất, nếu một số câu hỏi chưa có câu trả lời thì hãy xem chúng như các bài
toán phụ để đi giải. Thứ hai, nếu tất cả các câu hỏi có các câu trả lời thỏa
đáng, (những) người giải chuyển sang các giai đoạn của quá trình suy nghĩ
giải bài toán chính (xem 6.2. Mô hình quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề
và ra quyết định của quyển hai).
Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, nhờ “màn hình 9 hệ” với các
thông tin đầy đủ cùng các mối liên kết giữa chúng, (những) người giải thông
qua trao đổi, thảo luận hoặc suy luận cá nhân có thể nhanh chóng tìm được ý
tưởng giải bài toán hoặc nhận ra cần phải chọn quyết định nào mới là tối ưu,
mà chưa cần sử dụng các công cụ mạnh của PPLSTVĐM.
15) Tư duy hệ thống giúp tăng tính nhạy bén tư duy nhằm phát hiện, tính
đến các thông tin cần thiết giải bài toán, thậm chí ý tưởng giải bài toán mà
chúng có thể nảy sinh ở bất kỳ hệ nào trong không gian hệ thống, không
nhất thiết chỉ có trong hệ của bài toán.