trong hộc bàn. Trả bài, cô bảo những bài làm nào chép sách, chép sách nào
cô biết hết, bài phát ra, những “thợ chép – thợ lật” mỉm cười hài lòng với
điểm 6, điểm 7, thậm chí có cả 8. Em làm bài trung thực cũng ngần ấy điểm,
có khi còn thấp hơn. Thật không công bằng!
Không dám nói đến ý nghĩa lớn lao của hai tiếng “công bằng” trong cụm
từ “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà chỉ dám nói đến hai tiếng
“công bằng” trong học đường. Bất cứ biểu hiện dù lớn hay nhỏ của sự công
bằng – không công bằng trong học đường đều để lại dấu ấn trong tâm hồn
con trẻ. Chấp nhận, cho qua, hùa theo một sự không công bằng ngay trong
lớp học cũng có nghĩa rất có thể em sẽ chấp nhận sự không công bằng của
xã hội ngoài cổng trường. Và ngược lại, nếu dám dũng cảm đấu tranh vì
những sự công bằng tưởng chừng như vụn vặt ngay trong lớp học để tự bênh
vực mình, bênh vực bạn, cũng có nghĩa rất có thể đến lúc nào đó em sẽ trở
thành người hùng trong cuộc sống rộng lớn. Và cũng thật mong những
người dìu dắt em trên con đường học vấn sẽ mỗi ngày cho em tròn nghĩa ban
sơ hai tiếng “công bằng”.” (Bài “Công bằng” của Đinh Phụng Anh, đăng
trên báo “Tuổi Trẻ”, ra ngày 24/12/2005.)
¤ “Chuyện xảy ra ở một thành phố châu Âu. Đêm hôm ấy, trời có mưa
tuyết nhỏ. Một người đàn ông lái chiếc xe con của mình đến ngã tư đường
thì thấy đèn tín hiệu bật đỏ nhưng anh ta vẫn cho xe vượt qua, nghĩ rằng
đêm khuya đường phố vắng tanh thế này có vi phạm quy tắc giao thông một
chút cũng chẳng sao. Ai ngờ một bà cụ mất ngủ trông thấy hành vi ấy và
nhìn rõ biển số xe. Một cú điện thoại được gọi đến đồn cảnh sát khu vực.
Mấy hôm sau, người chủ xe nọ nhận được điện thoại từ công ty bảo hiểm:
“Bắt đầu từ ngày mai trở đi, phí bảo hiểm ông phải đóng sẽ tăng thêm 1%”.
“Tại sao thế?”
“Chúng tôi vừa nhận được thông báo của Sở cảnh sát cho biết ông đã
vượt đèn đỏ. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy ông là một người nguy hiểm,
vì vậy phí bảo hiểm của ông phải tăng”.