tin tốt hơn. Điều này cũng tương tự như trường hợp, một người biết cách
đọc sách, tự học (thu thông tin) thì thường cũng biết cách trình bày một vấn
đề (phát thông tin) và ngược lại. Do vậy, khi suy nghĩ, mỗi người cần có ý
thức tưởng tượng mình lúc là người thu, lúc là người phát thông tin nhằm
phát triển các kỹ năng tương ứng một cách có hiệu quả.
- Ngoài ra, sự tương tác giữa người phát và người thu còn có thể làm nảy
sinh các hiệu ứng hệ thống: Xuất hiện các phẩm chất mới mà từng người
một làm việc riêng rẽ không có (xem Chương 10: Tư duy hệ thống).
***
Dưới đây, người viết dẫn ra một số thông tin lấy từ các báo được đông
đảo mọi người đọc. Bạn hãy bình luận những thông tin đó dựa trên tất cả
những gì đã trình bày trong Chương 8: Tư duy lôgích.
♦ “Xung quanh đường đi của trái bóng trên sân cỏ và những người hâm
mộ bóng đá, người ta không chỉ có cảm xúc mà còn có nhiều nghĩ suy. Ta
hãy tham khảo những thái độ hay ý kiến đó qua 20 quan niệm sau đây (của
nhiều người khác nhau, khác nhau cả những góc nhìn vấn đề):
1) Bóng đá là vua thể thao, đúng vậy! Thật tuyệt vời khi đa số nhân loại
thả hồn theo quả bóng lăn trên sân cỏ.
2) Người không biết thưởng thức bóng đá khác nào dân chơi không biết
điệu nghệ. Với bóng đá, ngay cả bác “hai lúa” cũng khoái xem, huống gì bậc
cao sang.
3) Thả hồn theo các trận đấu bóng đá, ta được nhiều cảm xúc mạnh và thú
nhàn cư, còn trí tuệ thì vô bổ, tâm sức thì hao phí.
4) Bóng đá cho ta sức sống của một người năng động, dám xông pha, dám
chiến thắng và luôn luôn hướng về chiến thắng.
5) Bóng đá cho ta trí tuệ của một người nhanh nhạy, tháo vát, biết xử lý
tình huống trong những trường hợp cam go nhất trên sân cỏ.
6) Ở đâu có không khí náo nhiệt của những người hâm mộ bóng đá, ở đấy
có sự ô nhiễm tiếng ồn kinh khủng đến mức thót tim và điên đầu.