Có thể phần nào nhận ra cơn đau trưởng thành của mạng lưới này qua những
thay đổi về tên gọi của nó. Mạng Arpanet đầu tiên là trục kết nối các máy
tính ngẫu nhiên của các trường đại học, cơ sở quân sự và nhà thầu quốc
phòng. Khi giới quân sự ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào mạng lưới này
để truyền tải tin nhắn và e-mail, họ quyết định phân chia nó thành một
nhánh quân sự (chính là Milnet), và một nhánh phục vụ nghiên cứu
(Arpanet).
Nhưng không có nhiều điểm khác biệt giữa mạng quân sự và mạng nghiên
cứu, và hệ thống máy tính cửa ngõ vẫn cho phép các luồng thông tin di
chuyển qua lại giữa hai bên. Thực ra, bất cứ người dùng Aparnet nào cũng
có thể kết nối với bất cứ máy tính nào của mạng Milnet mà không cần tới
một lời mời. Arpanet, Milnet cùng khoảng 100 mạng lưới khác hợp lại tạo
nên Internet.
Có hàng nghìn máy tính của các trường đại học, tổ chức thương mại và cơ
quan quân sự kết nối với nhau thông qua Internet. Giống như những công
trình trong thành phố, mỗi thiết bị có một địa chỉ riêng, đa phần đều được
đăng kí ở Trung tâm Thông tin Mạng (Network Information Xuer – NIC) có
trụ sở tại Menlo Park, California. Mỗi máy tính đều có thể có tới vài chục
hoặc vài trăm người sử dụng, nên từng cá nhân cũng như từng máy tính đều
được đăng kí trong NIC.
Hệ thống máy tính của NIC cung cấp một danh mục địa chỉ: Chỉ cần kết nối
với NIC và hỏi thông tin về một ai đó, nó sẽ nói cho bạn biết người đó ở
đâu. NIC không có cái may mắn là luôn giữ cho cơ sở dữ liệu của họ được
cập nhật (giới máy tính vốn nhảy việc như cơm bữa), nhưng dù sao NIC vẫn
làm tốt nhiệm vụ là cuốn danh bạ của những người sử dụng máy tính.
Trong giờ nghỉ trưa, gã hacker mò vào NIC. Máy in của chúng tôi âm thầm
lưu lại nội dung phiên truy cập này trong lúc hắn tìm kiếm một từ viết tắt là
“WSMR”: