Chuyện hay đây! Tôi mường tượng cảnh các điệp viên CIA này đang chơi
trò gián điệp với nhau thì có kẻ đẩy cửa hậu bước vào. Hắn yêu cầu đường
dẫn đến CIA. Nhưng thay vì kết nối với hệ thống máy tính của họ, hắn lại
gặp phải bốn người đang làm việc ở CIA.
Tôi băn khoăn tự hỏi: “Mình có nên báo cho họ biết không?”
“Thôi đi nào. Tại sao mình phải mất thời gian thông báo cho họ chứ? Cứ kệ
gã gián điệp chạy nhong nhong ở sân sau của CIA. Mình bận tâm đến làm
gì. Thời hạn ba tuần truy bắt hacker đã hết rồi. Giờ là lúc quay về đóng cửa
và vùi đầu vào những vấn đề thực sự như vật lý hay thiên văn học. Bây giờ
hắn đã trở thành mối bận tâm của người khác rồi.”
Nhưng tôi vẫn thấy lấn cấn. Gã hacker đã xâm nhập vào hệ thống máy tính
quân sự mà chưa ai để ý. CIA không biết. FBI không quan tâm. Ai sẽ tiếp
tục từ những gì chúng tôi để lại?
Tôi với tay lấy chiếc điện thoại, định gọi cho các điệp viên CIA vừa được
liệt kê tên, nhưng rồi lại ngần ngừ đặt máy xuống. Một gã hippie tóc tai bù
xù là tôi đây định làm gì khi gọi điện cho các điệp viên chứ? Martha sẽ nói
sao?
Hẳn nàng sẽ hỏi, vậy rốt cuộc tôi về phe nào? Không phải phe CIA, chắc
chắn rồi. Nhưng tôi cũng không ủng hộ kẻ đã đột nhập vào đó. Ít ra là tôi
không nghĩ như vậy.
Phù! Gã khốn đang tìm cách lẻn vào máy tính của một người. Vì không có
người nào khác lên tiếng cảnh báo họ, nên tốt hơn hết là tôi sẽ đứng ra làm
điều đó. Tôi không chịu trách nhiệm cho những hành động của CIA, tôi chỉ
chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình mà thôi.
Trước khi kịp thay đổi ý định một lần nữa, tôi nhấc máy gọi đến số của anh
chàng CIA đầu tiên. Không trả lời. Anh chàng thứ hai đang đi nghỉ phép –
theo thông tin từ máy trả lời của anh ta thì là thế. Người thứ ba…