Ôi chao. Vậy là những gã sát thủ đang trên đường tới đây thật rồi. Tôi loay
hoay rút lui. “Việc này có lẽ không nghiêm trọng đâu. Gã kia không tìm
được gì ngoại trừ bốn cái tên. Anh không phải bận tâm chuyện hắn xâm
nhập vào máy tính bên đó đâu.”
Ngài Manning không chịu nghe. “Tôi biết tại sao tên tôi lại bị liệt kê ra như
vậy. Năm ngoái, tôi có làm việc ở một số máy tính trong Phòng Thí nghiệm
Nghiên cứu Đạn đạo. Nhưng chúng tôi rất quan tâm đến chuyện này và
muốn tìm hiểu thêm. Có thể đây là một vấn đề nghiêm trọng.”
Tôi đang nói chuyện với ai vậy? Chẳng phải đây là những kẻ đang can thiệp
vào nền chính trị Trung Mỹ và chuyển lậu vũ khí cho lũ côn đồ cánh hữu
hay sao? Nhưng người mà tôi đang tiếp chuyện đây lại không có vẻ gì là
một tên khốn cả. Anh ta giống như một người bình thường có ý quan tâm
đến một vấn đề cụ thể mà thôi.
Mà tại sao lại không kéo họ vào cuộc săn lùng một kẻ cũng ưa gây sự và
thích phá hoại hệt như họ kia chứ? Bám theo một kẻ xấu xa thực sự biết đâu
lại là một công việc hay ho vô hại – thậm chí còn có ích nữa – để CIA khỏi
đi kiếm chuyện làm xằng.
Không phải tranh cãi gì nữa. Họ cần được biết, và tôi không thấy có lý do gì
để giấu họ cả. Và nói chuyện với CIA cũng đâu có gây hại cho ai – chuyện
này khác với chuyện chuyển súng cho một tên độc tài quân sự mà. Suy cho
cùng, về mặt pháp lý thì chẳng phải đây là trách nhiệm của họ hay sao: bảo
vệ chúng tôi khỏi kẻ xấu? Nếu tôi không kể cho họ nghe chuyện gì đã xảy
ra, thì ai sẽ làm việc này đây?
Tôi không thể ngăn mình đừng so sánh phản ứng tức thời của CIA với phản
ứng của FBI. Sáu cuộc gọi yêu cầu giúp đỡ đều nhận được câu trả lời, “Biến
đi, nhóc.”
Vậy là tôi đồng ý gặp các điệp viên của anh ta, với điều kiện là họ không
được mặc áo khoác dài hầm hố.