Rủi thay, tất cả các bệnh viên gần nhà đều đã hết giờ làm việc, chúng tôi
chỉ gọi được cho duy nhất một phòng khám nhi nằm đối diện ga và họ nhận
lời. Rồi tôi giúp giáo sư đứng dậy. Ngay khi lau sạch khuôn mặt ướt đầm,
giáo sư đã có một hành động khiến tôi tròn xoe mắt: ông cõng Căn trên
lưng và chạy một mạch đến phòng khám, mặc cho tôi bào rằng chân Căn
đâu có bị thương. Đến mức tôi sợ chấn động sẽ càng làm vết thương hở
miệng. Cõng một đứa trẻ nặng ngót nghét 30 cân đâu phải chuyện chơi đối
với người xa rời lao động chân tay như giáo sư, vậy mà lúc này, ông đang
phô bày một sức mạnh khó ngờ. Vác Căn trên tấm lưng rộng khổ mà tay tôi
vừa xoa lên lúc này, giáo sư guồng thục mạng hai chân với đôi giày đã
mốc. Căn kéo sụp chiếc mũ Tigers xuống che mặt, đầu cúi gằm không phải
vì vết cắt trở đau mà vì ngại ánh mắt người qua đường. Vừa tới nơi, giáo sư
liền đập tay ầm ầm lên cánh cửa đang khóa như thể mới chuyển đến một
người bị thương sắp chết.
- Làm ơn, mau mở cửa ra! Cháu bé đang nguy cấp! Làm ơn hãy cứu cháu!
Chỉ với hai mũi khâu, vết thương đã kín miệng. Tôi và giáo sư ngồi ngoài
hành lang mờ tối, đợi họ kiểm tra xem gân tay có bị tổn thương không. Một
cái phòng khám cũ đến mức ngồi không cũng thấy bức bối. Trần nhà bạc
phếch, dép đi trong phòng cáu ghét và ẩm ướt, những tờ hướng dẫn cai sữa
và lịch tiêm phòng cho trẻ dán trên tường đã ố vàng hết cả. Chẳng có gì
ngoài một bóng đèn mờ tỏ trong phòng chụp X-quang soi sáng chỗ chúng
toi. Chỉ là một kiểm tra mang tính chiếu lệ, vậy mà vẫn chưa thấy Căn ra.
- Cô có biết số tam giác không?
Trỏ tay lên hình tam giác cảnh báo nguy cơ phóng xạ trên cửa phòng chụp
X-quang, giáo sư hỏi.
- Dạ, không.