http://www.ebook.edu.vn
14
Nơi đây từ ăn nói lên động tác ăn với nhiều mục đích khác nhau. Ăn để sống,
ăn để vui, ăn để xã giao, ăn để quên buồn, ăn để mừng, vân vân, và nhất là ăn là
một lối hưởng thụ. Sinh hoạt ăn này chỉ mang ý nghĩa ăn thuần túy, tức dùng
miệng, răng để ăn, và tiêu hóa trong bụng. Do đó, ăn luôn đi với thực phẩm, như ăn
cái gì; với cách ăn, các cách thế nấu ăn: phải ăn ra sao; đồ ăn gì phải ăn cứng, thức
ăn gì phải ăn mềm, thịt rau loại gì phải ăn sống hay ăn chín hay ăn tái, phải nấu thế
nào: "cải nhừ cần tái," "bò tái trâu nhừ." Rồi, thực phẩm nào cần gia vị nào: "chó
riềng, gà hành," vân vân. Hơn thế nữa, bữa cơm ngon cần có một Bá Nha, một Tử
Kỳ. Bữa ăn mà không có câu chuyện "làm qùa" thì lạnh lẽo như bữa cơm ma, rượu
thì nhạt hơn cả nước ốc. Chính vì vậy, một người rất biết thưởng thức nghệ thuật ăn
như Tản Ðà từng đưa ra bốn nguyên tắc về nghệ thuật ăn: món ăn phải nấu ra sao
cho ngon, người ăn phải ăn với ai mới thú, nơi ăn phải thơ mộng mới thêm thú vị,
và thời gian ăn phải đúng thời điểm mới thêm phần long trọng: "Ðồ ăn không ngon,
cơm không ngon. Ðồ ăn ngon, người ăn không ngon, bữa ăn không ngon. Ðồ ăn
ngon, người ăn tri kỷ, nhưng nơi chốn không đẹp, bữa ăn cũng không ngon; và nếu
ở vào thời điểm không đúng, bữa ăn cũng không ngon."
Từ đây ta thấy, việc chọn đồ ăn, việc nấu ăn, cũng như cách ăn, cách chế
biến thực phẩm đóng góp một phần quan trọng trong nghệ thuật ăn, phản ánh lối
suy tư Việt.
- Về Ðồ Ăn: Ăn xôi, ăn thịt, ăn cơm, ăn rau, ăn bánh, ăn qùa, ăn canh (người
Tầu nói là uống canh)... Ăn loại nào, thì phải nấu thế nào, phải cần gia vị nào, phải
nuớng, rán, luôc hay chiên: "Con gà cục tác lá chanh / Con lợn ủn ỉn mua hành cho
tôi / Con chó khóc đứng khóc ngồi / Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
- Về Cách Ăn: Ta phải ăn như thế nào, dùng đũa hay dùng tay, ngồi hay
đứng, ăn trước hay ăn sau, ăn chậm hay ăn nhanh: "ăn chậm mất ngon," "Ăn bốc,
đái đứng." Tương tự, ăn đồ gì phải ăn như thế nào: "Ăn cơm lừa thóc, ăn cóc bỏ
gan" hay "Ăn cá bỏ vây," "Ăn cá nhả xương, ăn đường nuốt chậm."
- Về Thái Ðộ Ăn: Ta phải ăn như thế nào. Ăn với ai phải có thái độ nào; ăn ở
đình khác với ăn ở nhà; mà ăn với khách lại khác với ăn với bạn thân. Thế nên, "Ăn
trông nồi, ngồi trông hướng" cũng như "rào trước đón sau." Phong tục mời cơm,
mời cha mẹ, mời các bậc trưởng thượng dùng cơm trước, rồi ăn giữ kẽ là những
cách biểu hiện thái độ ăn của người Việt.
- Về Nơi Ăn: Ta phải ăn ở đâu. Dịp nào phải ăn chỗ nào: "Một bát giữa làng
bằng một sàng xó bếp." Nhưng để mời khách, người Việt thích mời họ về nhà hơn
là quán. Không phải vì tiết kiệm, nhưng vì đó là một dấu tỏ thân thiện "cơm nhà lá
vườn." Hay như Nguyễn Khuyến từng diễn đạt: "Ðã bấy lâu nay bác tới nhà... Bác
đến chơi đây ta với ta."
Ăn là một cách sống