kình đã được dịch. Đã hai năm nay ở Murơmanxkơ đang soạn từ điển ngôn
ngữ của chúng.
- Thầy có nhớ được nhiều tiếng không? - Côxchia hỏi, lấy khuỷu tay hích
tôi.
- Có nhớ đôi tiếng... Tiếng nói của chúng nghe như tiếng phì, tiếng huýt
gió. Tốc độ trao đổi thông tin của chúng thật kỳ lạ. Đúng là hơn hẳn các cư
dân ở biển. Thật là lạ lùng, những cá kình thoạt nhìn thì cũng là cư dân của
biển, vậy mà quan điểm của chúng về thế giới và đạo đức thì lại bị hạn chế.
Để khi nào có máy phiên dịch chúng ta sẽ rõ. Người ta đã hứa sẽ gửi tới
đây. Nhưng hiện giờ... - Ông tiến đến gần máy dò âm dưới nước phát đi
mấy tiếng huýt gió nhỏ nhẹ rung rung và búng ngón tay.
Những con cá kình lập tức rời khỏi lưới, lao vào bóng tối. Paven
Mêphôđiêvích hài lòng về thành công của mình. Với giọng phô trương, ông
nói:
- Chưa bao giờ tôi cho mình có tài như vậy. Tôi mới chi thử tập độ dăm
phút. Thế mới biết thế nào là ảnh hưởng của môi trường. Các anh đừng có
cười tôi. Thực ra vài ngàn năm trước đây dân cư của bãi cát và biển cả quan
hệ với nhau rất chặt chẽ. Họ có ngôn ngữ chung, trong đó có sử dụng
những tiếng huýt gió. Ngày nay tiếng nói này đã mất. Nhưng cách đây
không lâu lắm rất nhiều dân tộc sống trên các bờ biển, các đảo vẫn nói
chuyện với nhau bằng tiếng huýt gió, hoặc một thứ tiếng thô sơ, tồn tại
song song với tiếng nói bình thường. Tôi có băng ghi tiếng nói của họ trao
đổi với nhau ở một làng Thổ Nhĩ Kỳ trên bờ Hắc Hải hồi đó. Tôi cho
Kharita nghe băng ghi âm. Nó nghe có vẻ thích thú và nói rằng có rất nhiều
tiếng nó không hiểu, nhưng đó là ngôn ngữ của một dân cư ở biển, một thứ
ngôn ngữ rất cổ. Thế đấy!
Những con cá kình lại đến hàng rào.
Paven Mêphôđiêvích lặp lại tín hiệu báo động, nhưng lần này chúng
không hề có phản ứng gì.
- Các anh có ý kiến gì về vấn đề này? Chúng định hướng lại nhanh làm
sao! Dùng cơ quan định vị của mình dò bốn phía không thấy động tĩnh gì,