Lời tác giả
Thuở xưa khi còn là những đứa trẻ hiếu kì, chúng tôi thường hay đập vỡ
đồ chơi của mình cũng như bất cứ thứ quà tặng nào, thậm chí cả đồng hồ,
để biết được bên trong có những gì. Rồi ở trường, người ta cũng dạy chúng
tôi cách ứng xử với thiên nhiên như thế: được dẫn ra ngoài cánh đồng, mỗi
người hái một bông hoa rồi bứt cánh để đếm xem hoa có bao nhiêu cánh,
bao nhiêu nhuỵ, đài hoa kết cấu ra sao v.v... Nói chung, sự thể xảy ra với
bông hoa cũng hệt như với những đồ chơi thời thơ bé: hình dạng bị dập nát,
xé nhỏ - và không còn cả bông hoa cũng chẳng còn cả đồ chơi nữa.
Còn bây giờ thì chúng tôi học thiên nhiên không chỉ không phá hỏng hình
ảnh của bông hoa đá sống động
mà ngược lại còn làm giàu cho thiên nhiên
những hình ảnh mang tính người của mình.
Chính tôi cũng đã học được điều đó trong quá trình ghi chép viết lách. Và
thế là Giọt rừng của tôi ra đời như một trải nghiệm nghiên cứu đầy chất thơ
cái thiên nhiên được hiểu trong sự hoà hợp với con người sống trong nó và
tạo ra nó.