Hữu hỏi:
- Như vậy bây giờ các đại học đều trống à?
- Không hẳn thế. Tôi trở lại Sài Gòn hơn một năm nay, kể ra bên cánh
học sinh còn mạnh, cơ sở gầy dựng lại rất khá, chỉ có cánh sinh viên của
mình thì còn yếu nhưng không thể gọi là trống được.
- Vậy còn Ban đại diện các trường? Chắc cũng tụi nó nắm hết?
Anh Bảy Trung ngồi nhỏm dậy, gạt tàn thuốc lên thành ghế đá, tay gác
lên đầu gối, mặt cúi xuống trầm ngâm hồi lâu.
- Không hết, anh nói, ta vẫn còn nắm được một số trường và chi phối
một số. Đây chính là vấn đề tôi cần bàn với anh rất kỹ. Nhìn chung tình
hình Ban đại diện ta không thua chúng bao nhiêu. Các đại học lại sắp tới
mùa bầu cử, ta chỉ cần thắng thêm hai phân khoa nữa so với năm rồi là ta sẽ
thắng ở Tổng hội sinh viên. Và đó là mục tiêu quan trọng.
Hữu toát mồ hôi trán. Sự chú ý dồn cả trong đôi mắt và thế ngồi chồm
tới. Anh hỏi:
- Hiện tại ta nắm được các trường nào?
- Y khoa, Nông lâm súc, Khoa học, Kỹ thuật Phú Thọ. Còn địch,
chúng nắm các trường Dược, Văn Khoa, Đại học Sư Phạm, Luật Khoa và
Kiến Trúc. Tuy chúng hơn ta một phân khoa nhưng “thế” của chúng lỏng
lẻo. Cũng giống như những năm trước, ban đại diện của chúng chỉ có mặt
để choán chỗ của ta và để quay “cua” bán cho sinh viên lấy lời. Đó cũng là
một trong những mầm mống gây bất mãn trong quần chúng sinh viên. Còn
ta, ta nắm chắc. Ban đại diện ta gồm những sinh viên có uy tín, một số là
đoàn viên, vài nơi đã có chi bộ. Tuy so với những năm trước thì còn kém
nhưng từ một tình trạng bình định học đường mà gượng gậy được như thế
là khá lắm.
Hữu cười:
- Khá thực. Nghe anh nói tôi muốn anh giao công tác liền.
- Không gấp lắm đâu. Anh cần phải bồi dưỡng một thời gian. Mình
phải tính chuyện đường dài.
Hữu nói: