40.
T
hành phố Qui nhơn cũng di tản!
Đám tàn quân của Sư đoàn 22 từ An Khê, Đồng Phó, Bình Khê, An
Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Cầu Bà Gi, Phú Tài… tranh nhau chạy hỗn loạn
về thành phố Qui Nhơn để mở một con đường ra bãi biển.
Máu chảy đỏ mặt cát và nổi bọt đỏ ngầu trên sóng nước. Chiếc tàu hải
quân đậu ngoài xa. Sà-lan lô nhô tròng trành sợ hãi đám quân điên cuồng
hò hét chửi bới náo loạn trên bờ nên không dám tiến tới. Đạn bay sát trên
đầu, trượt trên mặt nước… Giữa lúc ấy một loạt đạn cối của quân giải
phóng từ phía cầu Đôi chụp xuống mặt biển khiến đám tàn quân đạp nhầu
lên nhau, dìm nhau xuống nước, sấn tới, đổ xô tới, nhào tới phía những sà-
lan bé nhỏ.
Trong lúc ấy trên đường số Một vào Nha Trang, người di tản vẫn tiếp
tục vượt đèo qua suối cố đi cho hết cuộc hành trình kỳ quái, hoảng hốt và
mê sảng của mình.
Mẹ con Tú và Cang cũng có mặt trong đoàn người di tản ấy. Duy đã
ngăn cản, đã tìm hết cách để giải thích, thuyết phục hai đứa em mình nhưng
thất bại. Tú rời bỏ Qui Nhơn với lý do: “Tôi có chồng Mỹ, họ mà vào đây
họ bắn tôi trước, con tôi là con lai, chắc họ cũng không chừa”.
Và Cang, nó cũng có lý do của nó “Tôi là dân ghiền xì ke. Việt cộng
vào đây nếu không bắn bỏ thì tôi cũng phải chết vì không có thuốc.”
Vậy là hai chị em cùng với thằng bé Mỹ lai thuê bao một chiếc xe tải
chở một số đồ đạc cần thiết, thẳng đường vô Nam.
Trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975 họ đến Cam Ranh, sau hai ngày trời
qua đèo qua núi, ngủ bụi ngủ bờ, Tú quyết định dừng lại Cam Ranh vì ba lý
do: Một, có tin đồn là Mỹ cắt từ đèo Cả trở ra chia cho “Việt cộng”, từ đèo
Cả trở vào vẫn thuộc “quốc gia”, vì thế tất cả các tàu di tản từ Huế và Đà