từng con sâu xanh co rúm và bón cho chim. Con chim háu ăn nhảy tới, cổ
rướn một chút đớp mồi. Con nữa, lại con nữa... Sau rốt, bé ngửa bàn tay
nhỏ xíu, dí bàn tay kề thanh ngang cửa sổ. Con chim nhỏ bước hẳn vào đậu
giữa lòng tay trắng của bé, no nê rít lên mấy tiếng dài.
Bé lại cất lên một tiếng cười nữa. Và con chim bay đi. Nó trở ra chỗ lúc
nãy, ngoài vườn, trên giàn hoa lý.
Con chim thằng con bắt từ lúc mới nở, nuôi tập như thế! Cái cảnh con chơi
với chim, cho chim ăn, người mẹ quen mắt ngày ngày, cảnh ấy sáng nay
bỗng làm chị bỡ ngỡ.
“Con không hỏi mạ cha có sắp về không. Con không hỏi mạ cái gì trên thị
trấn mà đêm qua súng nổ nhiều thế, người ta kéo nhau đi xem thế. Con
không hỏi: thị trấn ga giải phóng rồi phải không mạ? Mỹ chết nhiều không
mạ? Bộ đội về đông không mạ? Con không hỏi qua nay mạ đi đâu”. Những
điều nhận xét và phàn nàn ấy bất giác vằn qua tim chị.
Không, chị chưa nói vội. Đến lúc ấy nữa, chị vẫn không muốn tỏ ý không
bằng lòng con. Chị níu lại xem xét một điều vừa mới vụt qua óc chị. Về
cách giữ gìn nuôi dạy con cái của mình.
“Anh đừng mắng con — thầm thì tiếp tục trong lòng người đàn bà xa
chồng lời độc thoại không bao giờ dứt. Chính là do em hết. Từ sáng mở
mắt đến khuya, cả trong giấc ngủ nữa, em cũng chỉ lo làm sao giữ được con
an toàn cho anh. Hoàn cảnh em, việc đó đã là khó lắm. Một mình mẹ nó
vẫn cố hoạt động được đã là khó lắm”.
Chị bắt gặp mình bỗng đang phân trần cho mình: “Không! Một đứa bé, ở
miền Nam, là con trai, hôm nay nghe những đứa đồng lứa với nó đánh Mỹ
thế kia, mà nó không nghĩ ngợi gì hết, cứ mãi mãi bắt chim với lại trèo tra,
cứ hồn nhiên như không, thế là không bình thường. Song không hề gì anh
ạ, còn kịp anh ạ. Em sẽ cố để đến lúc chính xã mình nổi dậy, hai mẹ con em
cùng đi với nhau”.
Chị lắng tai đợi ý anh. Cái mỉm cười rất hiền, rất yêu, rất quen thuộc của
anh, mà chị mường tượng thấy, làm ướt ở khóe mắt chị một giọt nước.
— Ơ, sao mạ khóc;