13 — TRÊN NGUỒN
I
CÂU chuyện ấy bắt đầu từ đâu. Nó bắt đầu, đối với tôi cái hôm, xong việc
ở Công Tum, tôi luồn về rừng thăm nhà. Tôi an ủi mẹ tôi: “— Thôi, mẹ ạ,
anh em người ta làm sai, đến đồng chí ủy viên thường vụ khu phụ trách
việc đó cũng bị kỷ luật rồi. Con biết mẹ khổ lắm, nhưng mẹ hãy vì con mà
quên đi, mà bỏ qua, đừng để tâm nữa làm chi. Cách mạng là con chứ còn
đổ cho ai, hả mẹ?” Đang như thế, chợt có tiếng loa rao. Cái gì thế? tôi chạy
đi một lát, rồi chạy về thưa với mẹ tôi: “— Ta thắng ở Điện Biên Phủ rồi,
ngừng bắn rồi, hòa bình rồi, mẹ ạ. Phân chia tạm thời hai miền sao đó con
cũng chưa hiểu rõ. Nhưng lúc này là cơ quan triệu tập cán bộ về đây, mẹ
cho con đi đã”. Không biết đó có phải là linh tính không, nhưng quả thật,
tôi mới về nhà có một lát, sau một chiến dịch dài nhất, vất vả nhất miền
nam trung bộ, và mẹ tôi thì sau một tao gian nan nhất trong đời sống tinh
thần của bà.
Tôi thấy lại tôi, ba lô khoác vai, đứng đọc tờ thông cáo kèm theo hiệp định
Giơnevơ ở ngã tư Hành Thiện. Và tôi nhớ là buổi chiều đó ở Hành Thiện
cái nắng rất lạ, bảo vui ư, không phải, bảo buồn ư, không phải, chói quá,
không phải, dịu quá, không phải. Tôi nhớ là người đọc không nhiều và
không ai biểu lộ tình cảm gì cả. Tôi nhớ là tôi chỉ lờ mờ một cảm giác rằng
đời tôi từ nay không giống như trước đây, sẽ có thay đổi đấy, thay đổi thế
nào thì chưa biết, nhưng chắc chắn thay đổi.
Câu chuyện ấy cũng có thể bắt đầu từ một cuộc họp, một cuộc họp mà tôi
sợ mãi cho đến bây giờ. Cuộc họp này “bình” ai đáng ra Bắc, và ai ở lại
miền Nam. Tôi kinh ngạc nhìn một số bạn tôi. Hiệp định Giơnevơ không có
quy định cán bộ đoàn thể phải đổi vùng, và điệu ấy thích hợp với cái tâm lý
quyến luyến miền Nam của chúng tôi: vùng chúng tôi, tám năm chống
Pháp là vùng tự do, không lẽ khi dễ dàng thì mình ở, mình ăn, bây giờ mới
đen tối đây, khó khăn đây, khi đồng bào khó khăn thì mình tránh đi? Lúc
bấy giờ, trình độ tôi chỉ có vậy, chỉ thấy cái trước mắt, không thấy cái lâu