ngày, những ngày đầu tiên ở miền Nam của chế độ “nó”, thật cô đơn và
trống lạnh, tôi đã có cảm giác đó, tuy tôi vẫn còn nằm giữa các bạn tôi, tôi
còn nằm giữa các bạn tôi mà tâm lý đinh ninh rằng họ đã ra Bắc. Gà gáy
canh ba đã lâu rồi, họ ngủ cả rồi mà tôi vẫn còn thức. Chợt có người xách
đèn đi vào trong ngõ, đặt đèn xuống thềm nhà và đi thẳng vào chỗ tôi nằm.
Người ấy lay tôi, thì thào: “— Anh Tâm mời anh sang ngay bây giờ.” Anh
Tâm là ủy viên thường vụ khu ủy. Tại sao lòng tôi như reo lên tôi không
biết. Tôi theo cậu liên lạc chiếc đèn chai lắc lư trên tay đi trên những bờ
ruộng ngoằn ngoèo đến tận chân núi, nơi khu ủy đóng, vào nhà anh Tâm.
Anh Tâm đang vừa nhìn vào giấy suy tính cái gì vừa vấn thuốc dưới ánh
sáng đèn, chỉ hơi ngửng lên khi tôi vào. Cả anh nữa, bộ bà ba đen, râu ria
lởm chơm, bộ điệu thật ra vẻ quan trọng của anh, tiếng anh thì thào làm cho
tôi thấy rõ là anh cũng đang khích động lắm vì không khí công tác bí mật
đã bắt đầu. Anh cũng tâm trạng như tôi, tưởng mình đã bước sang cái bóng
tối của chế độ nó. Và cái không khí quạnh quẽ trong căn nhà lá ở chân núi
đêm khuya thích hợp với sự tự kỷ ám thị đó. Anh Tâm hỏi tôi:
— Thương vụ khu ủy muốn biết ý anh thế nào?
Thật là một câu hỏi trống không, không có tiền đề. Đáng lẽ phải sửng sốt,
phải hỏi lại cho rõ hơn, tôi cũng dùng một câu trả lời không có tiền đề như
vậy.
— Tôi sẵn sàng.
Không ngờ anh Tâm lại hỏi dồn tôi phải nói cụ thể trước:
— Sẵn sàng thế nào?
Không thể dừng, tôi đành nói rõ điều tôi nghĩ:
— Các đồng chí cho tôi đi ra Bắc để tôi được học hỏi thêm, cũng tốt. Nếu
phải ở lại cũng được.
— Ở lại, anh sẽ ở đâu?
Câu hỏi đó đáng lẽ tôi phải hỏi anh Tâm! Tôi nói:
— Tùy các anh. Công tác thành phố, tôi làm được. Nông thôn cũng được.
Miền núi cũng được.
— Gian khổ đấy — anh Tâm nói, tại sao trong giọng nói như có một
thoáng mỉm cười chế riễu sự khờ khạo của tôi và sự chế riễu ấy khiến tôi