Bỏ con cá sùng vào trong giỏ họ lại đi. Khoan thai hơn là những chị em bắt
bồ cẩu. Con bồ cẩu thân tròn như thân nhện, cũng màu hồng. Người bắt bồ
cẩu lúi húi như trẻ con đi nhặt vỏ sò.
Anh chủ nhiệm nhận ra một người từ xa. Chắc chắn là mình không nhầm,
anh thở ra khe khẽ, lại bước tiếp. Sau lưng anh, đàn trẻ về học đi hàng
ngang, nói cười bi bô, một đứa thổi sáo vi vút.
Cô y sĩ kêu lên khi mở cửa, nhìn thấy trước mặt mình, ngay trong trạm xá
của mình, là anh chủ nhiệm đồng thời là bí thư. Hai hàng răng sáng lấp lánh
cắn ngậm lại ngay một tiếng buột kêu kinh ngạc như thể cô đang cắn ngậm
một bông hoa.
Từ lúc anh ở ủy ban huyện về nhận lại chức chủ nhiệm, giờ cô mới được
gặp anh, và việc ấy làm cho cô mừng rỡ hết sức. Nói chung, mấy năm nay,
cô mới gặp anh. Bắt đầu chống Mỹ, cứu nước, vùng đảo tình hình ác liệt
ngay, và anh thì được điều lên trên ấy. Ngày ấy, cô còn là một đứa trẻ, bây
giờ cô là y sĩ. Bố đi thuyền thơ nép hết bóng núi nọ lại bóng núi kia tranh
máy bay giặc, phát thơ nhận thơ cho bà con sơ tán. Ba ngày một, bố đi, về
bưu điện Cái Rồng, ghé cổng nhà trọ gọi con gái, cho mấy con cá khô, có
khi chỉ là một rá ốc hút. Cô đủ chí học hết bảy, lại ra cả Đầm Hà học cả lớp
y sĩ. Nhờ bố đã đành, còn nhờ những người khuyến khích như anh. Ngày
ấy, chủ nhiệm một hôm gọi hết con trai con gái mười bảy mười tám đến
bảo: “Trong rừng kia còn vết tích quân Nguyên ngày xưa hết lương nướng
người ăn đấy. Năm 1954, thằng Mỹ đã lăm le xâm lược, nó đổ bộ lên cái kè
đảo ta ngoài kia chứ đâu. Xã ta là xã đảo, sông biển bốn bề, nhiều cái khó
khăn lắm. Đi lại không thuận tiện, cán bộ ít, nhưng một vùng đất cổ thế,
nhiều lịch sử thế, phải đuổi kịp đất liền chứ. Giờ hợp tác, bọn tớ lo, văn hóa
xã hội phần các cậu nhé. Cậu nào đi đánh Mỹ cứ đi. Còn các cậu ở nhà, tớ
phân công: mấy cậu học dựng cho cái trường cấp hai, mấy cậu học kế toán,
mấy cậu học máy nổ. Cứ học sẵn, làm gì sau hẵng hay. Còn cô, cô đi y sĩ.
Thanh niên chân dài vai rộng, ở nhà đi cào ngao đợi bố mẹ gả bán lấy vài
ba nghìn động, làm mười lăm mười bảy rồi, ăn uống hết một ngày cưới,
sống thế phí đi. Nhà nào không lo được cho con học, bảo hợp tác chúng tớ
lo cho”.