Những ngày sau chót, Khương đâu có ghé về nhà. Bà mẹ không rõ con trai
có đợi hay không. Dẫu nó có về nhà, nó có đợi, mẹ cũng không biết được:
thằng ấy, nó kín lắm. Bây giờ nghe nói mẹ mới hay. Chắc hẳn là nó phải
đợi chứ, và thế thì tội nghiệp nó biết bao. Trên ba mươi tuổi đầu rồi, em gái
đứa nào cũng bầy con, mà ông anh cả vẫn trơ trọi! Cả đời nó xa nhà, ăn
mắn ăn muối, thèm lạt cái gì không ai hay, ốm không ai biết, rét không ai
biết. Mấy năm nay, càng bước về già, hai ông bà càng mong mỏi con trai cả
lấy vợ. Đã rất lâu, ông Mười không hay nói những điều mình nghĩ riêng với
vợ nữa, vậy mà gần đây có lúc ông thổ lộ bật ra lòng mong đợi ngấm ngầm
của ông, tuy ông chẳng bàn, chẳng hỏi Khương bao giờ. Còn Khương, anh
tuyệt nhiên không nói với bố mẹ việc đó; chuyện tình yêu là chuyện riêng
của tuổi trẻ, chỉ có thể nghiêm trang thưa với cha mẹ khi nó chắc chắn đã
thành lễ nghi. Mà trong suốt cuộc đời bôn ba của Khương trước đây, yêu
thương chưa lần nào bén đến mức lễ nghi cả. Bà mẹ có nghe mấy đứa em
gái nói đùa loáng thoáng mỗi lần một khác. Bà mẹ hiền lành chỉ nói với con
trai: “Mày kén làm gì kén dữ vậy. Đứa nào làm dâu má cũng được, con. Ba
mày không nói nhưng má nóng ruột lắm đó”. Khương đỏ mặt một chút,
gượng cười. Những lúc ấy, anh cũng cảm thấy mình có lỗi với cha mẹ.
Nhưng anh không nói.
Người con dâu tên là Hảo đến với bà, bỗng làm rõ rệt một ý mong muốn
vẫn lẩn khuất trong trí bà từ ngày các con đi, nhà cửa ba mươi năm trời trở
nên hiu quạnh. “Giá có vợ con nó ở lại nhà với mẹ!” Câu nói ấy thoáng đi
thoáng lại, thầm thì trong tận sâu thẳm lòng mong ước của bà mẹ già. Bỗng
mong ước không đâu ấy thành sự thật. Con dâu của má đây đây. Nó cũng
xinh, nước da trắng, cũng thùy mị như các con gái khác của má, nhất là cặp
mắt sâu và to, sao mà giống thằng Khương! Bà mẹ bắt đầu thương, bắt đầu
gắn bó, bắt đầu lẫn lộn.
— Đi đã, má.
Chánh lại giục. Muộn rồi thật. Cần giao hàng xong và trở về nhà trước giờ
giới nghiêm, tám rưỡi. Bà mẹ đứng dậy, vui vẻ bảo Chánh:
— Cất cái túi cho chị Hai, con.