trong 15 ngày là có nấm. Tháng nào cũng trồng được.
LÂM SẢN
Gò-Công không có rừng cao gỗ quí, chỉ có một số ít rừng thấp ngập
nước kêu là rừng sát, sản-xuất cây làm củi chụm (cây giá, cây vẹt, bần)
nhưng không quan-trọng, nên lần hồi người ta khai phá trồng cây dừa nước
lấy lá lợp nhà.
Ngoài ra, cây ăn trái trồng ở vườn với diện tích lối 500 mẫu, chiếm
0.90% diện tích toàn tỉnh. Trồng nhiều nhất là hai xã Thạnh-nhựt và Vĩnh-
viễn là hai nơi giáp tỉnh Mỹ-tho, nhờ có nước ngọt sông Tiền-giang đổ
xuống, và hai xã Vĩnh-Hựu, Vĩnh-Lợi cũng có một số ít vườn tược. Món
hàng vườn đặc-biệt là dừa xiêm ngọt nước, dừa khô, dừa nước, cau và các
thứ chuối, nhất là chuối già bán ra khỏi tỉnh rất nhiều. Những cây ăn trái
khác như cam, quít, bưởi, xoài, mãng cầu không được dồi-dào lắm.
CÔNG-KỸ-NGHỆ
Dân chúng Gò-Công sống với nhiều nghề như : thợ mộc, thợ rèn, thợ
bạc, thợ đóng giày, thợ làm guốc, thợ hồ, thợ chạm v.v…
- Nghề thợ mộc phát đạt nhứt ở các xã : Thành phố, Tân-niên-trung, Bình-
Xuân. Nơi sau này nổi tiếng đóng tủ thờ.
- Vĩnh-Thạnh, Tân-niên-Đông (đóng xe bò và xe ngựa).
- Vĩnh-Lợi, Vàm-láng, Đồng-Sơn, Yên-Luông-Đông, Tăng-Hòa, Gia-
Thuận, Vĩnh-Trị, Vĩnh-Hựu, Tân-Niên-Tây, Phú-Thạnh-Đông (chuyên làm
sườn nhà).
- Tại thành-phố : có 3 trại cưa tay, thợ đẽo guốc, thợ rèn, thợ đóng giày, thợ
bạc.
- Long-chánh, Tân-niên-Trung (thợ bạc, nghề đúc xi-măng).