Lời người dịch
Natsume Soseki là một nhà văn lớn của văn học Nhật Bản hiện đại. Nét độc
đáo ở ông là sự kết hợp giữa cá tính và sự chuyên nghiệp. Ðiều đó được thể
hiện rõ nhất qua khuynh hướng lựa chọn sự nghiệp của nhà văn. Tuy nằm
trong số những trí thức tinh hoa được chính quyền Minh Trị lựa chọn và
đào tạo bài bản để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, Natsume
Soseki đã quyết định trở thành một nhà văn chuyên nghiệp thay vì tiếp tục
giữ một cương vị danh giá ở trường Ðại học Tokyo. Với tư cách là một nhà
văn, ông đã đem hết nhiệt tình vào công việc sáng tác và để lại một khối
lượng tác phẩm đồ sộ - khoảng 20 tiểu thuyết được viết trong khoảng thời
gian từ năm 1905 đến năm 1916.
Natsume Soseki thường được biết đến như một cây bút phê phán hiện đại
hóa. Tác phẩm của ông thường đề cập đến những bất ổn nảy sinh trong lòng
xã hội Nhật Bản - một xã hội đang hiện đại hóa theo mô hình của các nước
phát triển phương Tây - xuất phát từ sự va chạm giữa văn hóa truyền thống
và xã hội hiện đại. Vì vậy, thế giới văn chương của Natsume Soseki là một
thế giới đa dạng, trong đó người đọc có thể chiêm ngưỡng một nước Nhật
cổ kính với những nét đẹp sâu lắng, dịu dàng nhưng cũng có thể bước chân
vào không gian mới mẻ, phức tạp với nhiều xung đột, căng thẳng của xã hội
Nhật Bản thời Minh Trị theo cách nhìn của nhà văn.
Gối đầu lên cỏ - tiếng Nhật là Kusamakura - được sáng tác năm 1906, vào
thời gian mà Natsume Soseki chuyển từ công việc giảng dạy sang công việc
viết văn. Ðây cũng là một tác phẩm thể hiện rõ phong cách Natsume Soseki
qua nhiều đoạn văn lý luận về nghệ thuật được ký thác vào dòng suy tưởng
của nhân vật chính - một chàng họa sĩ, trên con đường tìm cảm hứng sáng
tạo, đã ghé lại một quán trọ có suối nước nóng trong một sơn thôn vắng vẻ,
phong cảnh hữu tình. Bằng cách đó, tác giả không chỉ giới thiệu với người