- Ngài nêu cái đó làm ví dụ thì thật dở hết chỗ nói, – Ernest đáp. – Ngài
vừa viện ra một thời kì hết sức đen tối trong lịch sử nhân loại. Trong thực tế
chúng ta gọi thời đó là Thời đại ngu dân. Một thời kì mà khoa học bị siêu
hình học cưỡng hiếp, vật lí học trở thành khoa tìm đá điểm kim, hoá học trở
thành khoa luyện kim đan và thiên văn học trở thành chiêm tinh học. Đáng
buồn thay, sự thống trị của tư tưởng Aristotle!
Bác sĩ Ballingford bực lắm, nhưng ông lại tươi cười ngay. Ông bảo:
- Ngay cho chúng ta thừa nhận bức tranh khủng khiếp ông vừa vẽ đi
nữa, ông cũng đã phải thú thật rằng siêu hình học rất có hiệu quả, vì nó đã
dắt loài người ra khỏi thời kì tối tăm đó để bước vào ánh sáng của những
thế kỉ sau.
- Sao? – Bác sĩ Hammerfield kêu lên. – Chẳng phải tư tưởng con người
đã đưa đến những cuộc du hành thám hiểm là gì?
- Chao ôi, thưa quý ngài, – Ernest mỉm cười, – tôi tưởng ngài chịu thua
rồi cơ đấy. Ngài vẫn chưa tìm ra một chỗ sơ hở nào trong định nghĩa của tôi
về triết học. Ngài vẫn đang đứng trên mây xanh. Nhưng đó là tập quán của
nhà siêu hình học, và tôi cũng sẵn lòng tha thứ cho ngài. Không, tôi nhắc
lại, siêu hình học không có liên quan gì đến cái đó hết. Bánh mì và bơ, lụa
và đồ trang sức, đô la, tiền bạc và thêm vào đó, sự phong toả những đường
bộ để thông thương với Ấn Độ là những điều đã gây ra những cuộc du hành
thám hiểm. Sau khi Constantinople thất thủ năm 1453, người Thổ Nhĩ Kỳ
phong toả những đường đi của những thương đoàn sang Ấn Độ. Các thương
nhân ở châu Âu tìm một con đường khác. Đó là nguyên uỷ của những cuộc
du hành thám hiểm. Columbus giong buồm đi tìm một con đường mới để
sang Ấn Độ. Sử sách chép rành rành như thế. Tiếp theo đó, ngưòi ta học
được nhiều điều mới về thiên nhiên, người ta biết trái đất to bao nhiêu, hình
thù thế nào, và thế là thuyết của Ptolemeus đi đời.
Bác sĩ Hammerfield ữ hừ.