Và sự thật thì tập đoàn thiểu số thống trị đã tự bào chữa trước công
chúng rằng chúng đã hành động như vậy là để cứu nhân dân Mỹ, vì quyền
lợi của họ đang bị đe doạ. Chúng đã gạt được tên địch thủ đáng căm ghét
của chúng ra khỏi thị trường thế giới và đã tạo điều kiện cho nước Mỹ sử
dụng chỗ hàng ế thừa trên thị trường đó. Và Ernest bình luận:
- Cái chỗ thậm vô lí trong việc này chính là chúng mình phải khoanh tay
ngồi nhìn một bọn người ngu xuẩn quản lí những quyền lợi của mình. Bọn
chúng tạo điều kiện cho chúng mình bán thêm hàng ra nước ngoài có nghĩa
là chúng bắt chúng mình phải tiêu thụ ít đi ở trong nước.
--------------------------------
1 Trong cái thời kì hỗn độn đó, giá quảng cáo rất đắt. Chỉ có những nhà
tư bản nhỏ cạnh tranh với nhau, cho nên họ phải quảng cáo. Đến khi thành
lập các tơ-rớt rồi thì không có cạnh tranh nữa, và thành ra các tơ-rớt không
cần phải quảng cáo.
2 Sự sụp đổ của các chủ đất La Mã, xét về mặt tốc độ còn thua xa sự sụp
đổ của các chủ trại và các nhà tư bản nhỏ ở Mỹ. Ở thế kỷ thứ 20, có một cái
đà quay rất mạnh mà thời cổ La Mã hoàn toàn không có. Một số lớn chủ
trại, do tư tưởng bám chặt lấy ruộng đất một cách điên rồ và muốn tỏ ra
mình có thể quay trở lại đời sống nguyên thuỷ, đã rút lui khỏi tất cả mọi sự
giao dịch buôn bán trên thị trường, những mong thoát không bị tước đoạt
tài sản. Họ không bán gì cả. Họ không mua gì cả. Giữa họ với nhau bắt đầu
xảy ra một lối trao đổi vật phẩm có tính chất nguyên thuỷ. Họ phải chịu
đựng những khó khăn và thiếu thốn ghê gớm, nhưng họ vẫn không nao
núng. Trong thực tế, cái đó đã thành cả một phong trào. Họ đã bị đánh bại
bằng một biện pháp độc đáo, vừa đương nhiên, vừa đơn giản. Giai cấp tài
phiệt, nhờ nắm được chính phủ trong tay, đã tăng thuế. Đó là chỗ yếu trong
chiếc áo giáp của họ. Vì không mua không bán, họ không có tiền. Thế là
cuối cùng họ phải bán ruộng đất đi để đóng thuế.