qua lại, không có tiếng rao của trẻ bán báo, không có gì hết, ngoài những
con người thỉnh thoảng lướt đi nhanh như bóng ma và bản thân họ cũng đã
bị cái im lặng đè dí xuống và biến thành hư ảo.
Và trong cái tuần lễ im lặng đó, tập đoàn thiểu số thống trị đã được nhân
dân dạy cho một bài học. Và nó đã học thuộc bài học đó. Cuộc tổng bãi
công là một bài cảnh cáo. Không thể để nó tái diễn được. Tập đoàn thiểu số
thống trị sẽ để mắt đến việc này.
Hết một tuần lễ, chừng như đã xếp đặt từ trước những nhân viên điện
báo của Đức và Hoa Kỳ đều trở lại làm việc. Thông qua họ các lãnh tụ xã
hội chủ nghĩa ở cả hai nước cùng gửi tối hậu thư cho bọn cầm quyền. Phải
chấm dứt ngay chiến tranh, bằng không cuộc tổng bãi công sẽ tiếp diễn.
Cũng chẳng phải lâu la gì hai bên mới hiểu được nhau. Bọn cầm quyền
tuyên bố xoá bỏ chiến tranh và dân chúng cả hai nước đều làm việc trở lại.
Chính việc lập lại hoà bình này đã đưa đến khối liên minh giữa nước
Đức và nước Hoa Kỳ. Thật ra đó là một liên minh giữa Đức hoàng và tập
đoàn thiểu số thống trị Hoa Kỳ nhằm chống lại một kẻ thù chung là giai cấp
vô sản cách mạng ở cả hai nước. Về sau. khi những người xã hội chủ nghĩa
Đức lật đổ ngai vàng của tên vua chiến tranh, chính tập đoàn thiểu số thống
trị Hoa Kỳ lại giở mặt huỷ bỏ khối liên minh này. Đó cũng chính là cái đích
mà bọn thiểu số thống trị trước đây đã từng nhằm: tiêu diệt địch thủ lớn
nhất của chúng trên thị trường thế giới. Đức hoàng về vườn rồi thì nước
Đức không còn hàng ế thừa bán ra nước ngoài nữa. Do bản chất của Nhà
nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân Đức sẽ tiêu dùng tất cả những thứ họ sản
xuất ra. Lẽ dĩ nhiên họ sẽ có đưa một số vật phẩm họ sản xuất ra nước ngoài
đổi lấy những thứ họ không sản xuất, nhưng số hàng này hoàn toàn khác
với số hàng ế thừa không tiêu dùng hết. Khi mọi người biết tin bọn thiểu số
thống trị trở mặt với Đức hoàng, Ernest bảo:
- Tôi đánh cuộc rằng tập đoàn thiểu số thống trị sẽ tìm được cách biện
bạch. Cũng như thường lệ, chúng sẽ tin rằng chúng làm như thế là đúng.