chuẩn bị tổng bãi công. Không những thế, các đảng cách mạng ở tất cả các
nước đều công bố nguyên tắc xã hội chủ nghĩa về việc giữ hoà bình quốc tế
bằng mọi cách, dù có phải khởi nghĩa hay làm cách mạng ở trong nước thì
cũng làm.
Cuộc tổng bãi công đã thắng lợi lớn lao duy nhất mà những người xã hội
chủ nghĩa Mỹ chúng tôi giành được. Ngày 4 tháng 12, đại sứ Mỹ ở thủ đô
nước Đức bị triệu hồi. Đêm hôm đó, một hạm đội của Đức tấn công vào
Honolulu, đánh đắm ba tuần dương hạm Mỹ cùng với một tàu tuần tiễu hải
quân và nã đại bác vào thành phố. Hôm sau, cả hai nước Đức và Hoa Kỳ
cùng tuyên chiến, và trong vòng không đầy một tiếng đồng hồ, những người
xã hội chủ nghĩa kêu gọi bãi công ở cả hai nước.
Đây là lần đầu tiên tên Đức hoàng hiếu chiến phải đương đầu với nhân
dân nước y, những người làm cho bộ máy đế quốc của y hoạt động. Không
có những người này thì y không thể làm cho đế quốc của y chạy được. Chỗ
mới của tình hình là họ làm một cuộc khởi nghĩa thụ động. Họ không tấn
công. Họ không làm gì hết, và bằng cách chẳng làm gì hết, họ đã trói chặt
tay của tên vua chiến tranh nước họ. Tên vua chiến tranh này không mong
gì hơn là tìm được cơ hội tốt để thả đàn chó chiến tranh của y ra cho xông
vào cắn xé giai cấp vô sản đang làm loạn ở nước y. Nhưng y không làm
được. Y không huy động được quân đội ra mặt trận, cũng không trừng trị
được lũ thần dân cứng cổ. Bộ máy đế quốc của y không còn một bánh xe
nào hoạt động. Không có lấy một đoàn tàu chạy, không có lấy một bức điện
báo truyền trên đường dây bởi vì nhân viên điện báo và nhân viên hoả xa
đều đã nghỉ việc cùng với các tầng lớp nhân dân khác.
Và bên Đức thế nào thì bên Hoa Kỳ cũng thế! Cuối cùng, giới lao động
có tổ chức đã rút được bài học của họ. Bị đánh bại trên trận địa mà tự mình
đã chọn lấy, họ đã rời bỏ trận địa đó và chuyển sang trận địa chính trị của
những người xã hội chủ nghĩa; vì cuộc tổng bãi công là một cuộc bãi công
chính trị. Vả lại, giới lao động có tổ chức đã bị đánh bại một cách hết sức