tàn bạo, họ cũng chẳng cần gì nữa. Họ tham gia bãi công cũng vì họ đã
hoàn toàn thất vọng. Công nhân vứt dụng cụ và bỏ việc hàng triệu người.
Đặc biệt đáng chú ý là anh em công nhân cơ khí. Đầu họ còn bê bết máu, tổ
chức của họ rõ ràng đã bị phá tan, ấy thế mà họ cũng xuống đường đấu
tranh, cùng với đồng minh của họ là những anh em công nhân ở các ngành
luyện kim.
Ngay cả những anh em lao công thường và những người lao động không
có tổ chức cũng bỏ việc. Cuộc tổng bãi công đã khoá chặt mọi ngành hoạt
động, đến nỗi cũng không ai có thể đi làm được. Ngoài ra, chị em phụ nữ đã
tỏ ra là những người cổ võ bãi công hăng nhất. Họ kiên quyết chống chiến
tranh. Họ không muốn chồng con họ phải đi làm bia đỡ đạn. Rồi thì ý niệm
tổng bãi công đã ăn sâu vào tâm lí nhân dân. Nó đập vào óc hài hước của
họ. Ý niệm đó lan nhanh như bệnh dịch. Trẻ em bãi khoá ở tất cả các
trường, và những giáo viên nào đến dạy cũng đều phải rời các phòng vắng
tanh vắng ngắt trở về nhà. Cuộc tổng bãi công diễn ra dưới hình thức một
cuộc cắm trại lớn có tính chất toàn quốc. Tinh thần đoàn kết của lao động
nổi bật hẳn lên và khêu gợi trí tưởng tượng của tất cả mọi người. Và sau hết
thì cái trò chơi khổng lồ này cũng chẳng có gì nguy hiểm. Khi mà tất cả mọi
người đều phạm tội thì biết trừng trị ai?
Nước Hoa Kỳ bị tê liệt, không còn ai biết là đang xảy ra chuyện gì nữa.
Báo chí không, thư từ không, điện tín không. Mỗi địa phương đều bị hoàn
toàn cô lập, chừng như có một khoảng hoang vu hàng vạn dặm ngăn cách
nó với phần thế giới còn lại. Trong thực tế, thế giới như không còn tồn tại
nữa. Và tình trạng này đã được duy trì trong một tuần lễ.
Ở San Francisco, chúng tôi không hề biết bên kia vịnh, ở Oakland hoặc
Berkeley, đang xảy ra việc gì. Tình trạng này gây cho người ta một cảm
giác kì dị nặng như đá đeo. Hình như một thiên thể gì rất lớn nằm chết còng
queo ra đó. Mạch của xứ sở đã ngừng đập. Cả nước đã chết thật sự. Không
có tiếng cam-nhông, có tiếng điện chạy vo vo trên không, không có ô-tô