muốn nhìn lại nụ cười long lanh trong mắt anh, nụ cười vui tươi trái hẳn với
vẻ mặt trang nghiêm lạnh lùng của anh. Hơn thế nữa nhiều tình cảm man
mác từ đâu đến làm xao xuyến lòng tôi. Tôi chớm bắt đầu yêu anh. Tuy
nhiên, tôi vẫn tin rằng, nếu không bao giờ gặp anh nữa, có lẽ những tình
cảm man mác kia cũng phai đi, và tôi cũng dễ quên anh thôi.
Nhưng số phận đã định tôi phải gặp lại anh. Hồi ấy, ba tôi bắt đầu chú ý
đến khoa xã hội học và hay mời khách đến nhà ăn cơm. Ba tôi không phải
là một nhà xã hội học. Ba tôi chuyên về vật lí học. Trong đời sống gia đình
cũng như trong công việc nghiên cứu khoa học, ba tôi gặp rất nhiều may
mắn. Nhưng từ ngày mẹ tôi mất đi, việc nghiên cứu của ba tôi không sao
lấp được chỗ trống. Thoạt tiên ba tôi bước vào nghiên cứu triết học; nhưng
rồi ba tôi ngày càng ham và bị cuốn sang khoa kinh tế chính trị học và khoa
xã hội học. Ba tôi vốn yêu công lí, cho nên chẳng bao lâu ba tôi hăm hở tìm
cách san bằng mọi sự bất công. Thấy ba tôi chú ý nhiều đến công việc ngoài
đời, tôi mừng lắm nhưng cũng không mường tượng được kết quả sẽ thế
nào. Ba tôi theo đuổi những công việc mới một cách hăng hái, say mê và
không hề bận tâm rằng những công việc đó sẽ đưa tới đâu.
Ba tôi xưa nay quen làm việc trong phòng thí nghiệm, cho nên ba tôi đã
biến phòng ăn trong nhà thành một phòng thí nghiệm xã hội học. Người đủ
các hạng, các tầng lớp đến ăn ở đây: bác học, nhà chính trị, chủ ngân hàng,
nhà buôn, giáo sư, lãnh tụ công đảng, đảng viên xã hội và những người vô
chính phủ. Ba tôi thúc họ tranh luận và phân tích những ý nghĩ của họ về
cuộc đời và về xã hội.
Ba tôi gặp Ernest trước “Tối họp mặt các vị mục sư” ít hôm. Lúc khách
đã ra về ba tôi liền kể cho tôi nghe đã gặp anh như thế nào. Một buổi tối, ba
tôi đang đi dạo phố thì dừng lại nghe một người đứng trên cái hòm xà-
phòng diễn thuyết trước một đám công nhân. Người đứng trên hòm xà-
phòng đó chính là Ernest. Nhưng việc của anh không chỉ là đứng trên xà
phòng để diễn thuyết đâu. Anh là một nhân vật cao cấp trong ban chấp hành