Dùng lại câu anh thường nói thì cái huênh hoang ấy “vận dụng” được và có
nhiều hiệu quả. Vả lại, cái huênh hoang của anh trông hay lắm. Nó khích
động người ta như tiếng súng mở đầu cho một trận tấn công… Luôn mấy
ngày sau, tôi mượn ba tôi sách của Ernest để đọc. Anh viết cũng giống như
anh nói, rất rành rẽ và rất thuyết phục. Chính cách diễn tả hết sức giản dị
của anh nó thuyết phục người ta, ngay cả khi người ta đang còn hoài nghi.
Anh được trời phú bẩm cho cái khúc chiết. Anh trình bày vấn đề hay tuyệt.
Tuy nhiên, ngoài bút pháp của anh ra, còn có nhiều điều tôi không thích.
Anh nhấn quá mạnh cái mà anh gọi là đấu tranh giai cấp, đối kháng giữa lao
động và tư bản, và xung đột quyền lợi.
Ba tôi thú vị kể lại lời bác sĩ Hammerfield nhận xét về Ernest: “Một
thằng nhãi con hỗn xược, óc đầy tự mãn về cái hiểu biết đầy thiếu sót của
mình”. Bác sĩ Hammerfield còn bảo sẽ không thèm gặp Ernest nữa. Trái lại
đức Giám mục Morehouse tỏ ra mến Ernest và rất muốn gặp lại anh. Đức
Giám mục bảo anh là “một thanh niên cương nghị và hết sức linh lợi nhưng
tự tin thái quá”.
Một buổi chiều, Ernest đi cùng với ba tôi về nhà. Đức Giám mục
Morehouse đã đến từ trước, và chúng tôi đang ngồi ngoài hiên uống trà.
Ernest vẫn còn ở Berkeley, vì anh đang theo dở một khoá đặc biệt về sinh
vật học ở trường đại học và đang bận viết một tác phẩm mới nhan đề “Triết
học và Cách mạng” 2.
Khi Ernest đến, hàng hiên như đột nhiên bé lại. Không phải vì anh to lớn
quá đến thế đâu – anh chỉ cao có năm bộ chín tấc 3 – mà vì người anh toả ra
một không khí lớn lao khó tả. Lúc đứng lại chào tôi, anh tỏ ra hơi ngượng
nghịu, trái hẳn với đôi mắt nhìn táo bạo và bàn tay mạnh mẽ, cứng cáp của
anh khi bắt tay tôi. Lúc đó mắt anh cũng đầy vẻ quả quyết và mạnh mẽ như
thế. Lần này hình như trong đôi mắt anh có một câu hỏi, và cũng như lần
trước, anh nhìn tôi lâu quá.