con búp bê, tôi không thể phủ nhận hoàn toàn chuyện đấy có thể chỉ là do
sở thích của thầy ấy thôi.
Kể từ khi tìm thấy con búp bê mất bàn tay, ngày nào trong lớp tôi cũng
nghĩ về “Vụ án cắt cổ tay”. Thậm chí tôi hầu như không nhận ra sắp phải
thi giữa kỳ. Trong số những vụ án gần đây, vụ án kỳ quái này đặc biệt cuốn
hút tôi. Tôi cảm thấy rất hứng thú khi nghĩ tới việc thủ phạm có những ám
ảnh ghê tởm về bàn tay như thế.
Tôi đã nghĩ thế này.
Có người khác cùng một loại với tôi.
Tất nhiên xét về tiểu tiết thì tôi và hắn khác nhau. Nhưng không biết vì
sao tôi lại có cảm giác thân thiết với thủ phạm của vụ án kỳ quái đó.
Vào giờ nghỉ tôi hay đi về phía phòng học Hóa nhằm đi ngang qua thầy
Shinohara. Thầy nhớ tôi nên lần nào gặp cũng giơ tay chào. Thầy còn trẻ,
tóc ngắn và gầy gò. Trong lớp rất nhiều lần tôi thầm hỏi không biết thầy có
thật là hung thủ “Vụ án cắt cổ tay” không.
Tôi từng bắt gặp thầy Shinohara và Morino đứng nói chuyện với nhau ở
trước cửa phòng học Hóa. Thầy Shinohara nhìn quyển sách mà Morino
đang ôm trên tay và nói mình có phần tiếp theo. Đó là một quyển sách phi
hư cấu về những người thiểu năng trí tuệ. Morino trả lời: “Vậy sao ạ?” với
vẻ vô cảm thường lệ.
Trong lớp tôi vẫn luôn vờ vĩnh đủ điều. Sống như một nam sinh trung
học tầm thường không nổi bật là việc đơn giản. Nhưng tôi thấy mệt mỏi khi
“Vụ án cát cổ tay” được đưa tin liên tục đã chiếm hết suy nghĩ trong đầu rồi
mà tôi còn phải giả vờ học theo lối nói chuyện thịnh hành gần đây, rồi lảm
nhảm về mấy nghệ sĩ với bọn bạn xung quanh. Đôi khi tôi cảm thấy mình
thật ngớ ngẩn.
Theo lời thầy Shinohara, Morino thường xuyên lui tới phòng học Hóa.
Vào giờ nghỉ trưa, hễ thầy liếc qua phòng học là lại thấy nàng đang ngồi
một mình trong không gian tĩnh lặng.
Morino luôn làm mọi chuyện một mình. Không phải nàng bị bắt nạt mà
ngược lại, nàng có thái độ xa lánh mọi người xung quanh và chỉ ngồi im tại