Cửa sổ tôi vừa đập là phòng khách. Chỗ kính bị vỡ văng tung tóe xuống
sàn căn phòng kiểu Tây. Tôi phải bước đi rón rén để tránh giẫm phải các
mảnh vỡ. Đồ đạc trong nhà được sắp xếp rất ngăn nắp. Tạp chí, tivi và điều
khiển từ xa được xếp thành hàng gọn gàng trên bàn.
Tôi cố gắng bước mà không tạo ra tiếng động. Tôi lo thầy Shinohara sẽ
đột ngột về nhà. Tôi phải nghe được tiếng chìa khóa tra vào lỗ khóa ở cửa
trước. Tôi cần phải trốn đi trước khi bị phát hiện.
Tôi bước dọc hành lang được lau sạch sẽ. Vì không bật đèn nên nhà khá
tối nhưng có ánh mặt trời lọt qua cửa sổ chiếu chênh chếch vào bức tường
chắn ngang hành lang.
Tôi đã tìm được cầu thang. Tôi leo lên, cố gắng không chạm vào tường
và tay vịn. Dù tôi để lại dấu vân tay đi nữa, nếu thầy Shinohara là thủ phạm
vụ án cắt cổ tay hẳn thầy sẽ không báo cảnh sát. Tuy nhiên tôi không muốn
để lại dấu vết mình đã đột nhập ngôi nhà này.
Có một phòng ngủ ở tầng hai, bên trong có máy tính để bàn. Sách xếp
trên kệ gọn gàng theo kích cỡ, gáy sách thẳng tắp như đo bằng thước.
Không có lấy một chút bụi bặm. Không có dấu hiệu tố cáo thầy giáo là thủ
phạm.
Tôi ấn ngón trỏ và ngón giữa tay phải vào cổ tay trái để đo nhịp mạch.
Mạch của tôi đập nhanh hơn bình thường, như vậy có nghĩa là tôi đang
căng thẳng. Tôi hít một hơi thật sâu để bình tâm lại.
Tôi nghĩ tới cổ tay. Khi bác sĩ xác nhận xem một người còn sống hay đã
chết, họ thường bắt mạch ở cổ tay. Kể từ giờ làm sao bác sĩ kiểm tra được
những nạn nhân của vụ án cắt cổ tay còn sống hay đã chết nhỉ? Họ đâu còn
cổ tay nữa.
Tôi nhìn đồng hồ. Bây giờ có lẽ là lúc cuộc họp giáo viên kết thúc. Nếu
như thầy Shinohara về thẳng nhà mà không ghé qua đâu đó thì tôi bắt buộc
phải khẩn trương lên. Tôi xem xét cả những phòng khác trên tầng hai. Có
hai phòng kiểu Nhật kê tủ và kệ sách. Tuy nhiên vẫn chẳng có dấu hiệu gì
cho thấy thầy Shinohara là thủ phạm.