- Giới võ lâm khắp mười hai châu quận trên đất nước này đều ghê tởm
khi nghe nhắc tới cái tên Phạm Bảo. Với tư cách hèn đốn đó mà ngươi còn
hòng dùng miệng lưỡi dụ dỗ ta sao?
Chàng quắc mắt, dằn từng tiếng:
- Tình đồng môn và đồng tông giữa ta và ngươi đã cạn từ khi ngươi cúi
đầu thờ Lý Tiến. Ý của ta chỉ đổi khi ngươi tỉnh ngộ đánh lại kẻ thù hoặc
ngay lúc này theo ta vào châu Ái phò Dương tướng công. Ngoài ra, ta chỉ
nói chuyện với ngươi bằng lưỡi gươm này thôi.
Bạch Hổ chấm dứt câu nói bằng đường gươm lia ngang người Phạm
Bảo. Lưỡi thép rít lên rợn gáy. Phạm Bảo và gã đồng hành lập tức nhảy lui
cùng lúc đồng loạt phóng hai lưỡi gươm về phía Bạch Hổ. Chàng trai
không chờ gươm của đối thủ chém tới mới đỡ gạt mà phạt ngược một
đường gươm đẩy bật cả hai lui thêm một bước nữa. Phạm Bảo khẽ nhắc gã
đồng hành:
- Coi chừng những đòn phản công!
Thông thường, đòn phản công chỉ tung ra khi đòn đánh gần kết thúc.
Riêng môn phái của Bạch Hổ lại tạo ra những đòn phản công chớp nhoáng
ngay khi đối thủ vừa khởi phát thế công. Những đòn này dựa vào mức thần
tốc để triệt hạ đối thủ trước khi kịp hoàn thành đòn đánh. Phạm Bảo vẫn
nhớ lời dặn của vị chưởng môn:
- Cách chận đỡ một đòn đánh hay nhất là không cho đối thủ hoàn tất đòn
đánh đó bằng một đòn phản công tung ra ngay khi đối thủ khởi sự ra đòn.
Thành hay bại sở cậy hoàn toàn ở tốc độ. Khi đạt tốc độ cao, đòn của ta sẽ
tới đích sớm hơn. Như thế, đòn đánh của địch hiểm hóc, mãnh liệt cỡ nào
cũng thành vô dụng. Phái Mai Động của ta nhờ phương châm này nên đã
đứng vững cả ngàn năm rồi. Hiện nay, trong đám môn sinh, Bạch Hổ là
người thể hiện đúng nhất cung cách đó. Các con nên coi Bạch Hổ ra đòn
mà ráng luyện theo.
Lúc nghe vị chưởng môn nói những lời trên, Phạm Bảo đã là một nhân
vật thành danh trong võ giới vì vào đời từ nhiều năm trước. Bạch Hổ vốn là
em họ của Phạm Bảo nên gã đã gọi tới cùng ấn chứng tài năng. Quả nhiên,