“Ông là người dẻo dai nhất, khôn khéo nhất, thành công nhất trong số các
nhà thủ lãnh Ả Rập. Ông chiếm được một vương quốc, bất chấp cả đường
lối chính trị của người Anh; ông hợp tác với người Mỹ để khai thác mỏ dầu
lửa của ông. Người Anh mà ông thắng trên bàn cờ quốc tế và người Mỹ mà
ông bắt phải trả 50 triệu Anh kim mỗi năm, đều phải trọng những đức tính
phi thường của ông”.
Mà đức tính của ông đáng cho ta phục nhất là đức kiên nhẫn. Không biết
ông có phải là dòng dõi người thanh niên Bagdad trong câu chuyện Ả Rập
thời xưa không? Vâng, chính người thanh niên đó, người đã thụ nghiệp một
nhà hiền triết làm thợ rèn, và chịu nhẫn nhục kéo bễ luôn mười năm, cho
tới ngày sư phụ bảo: “Thôi đừng kéo nữa con. Con đã học được đạo Vạn
năng, tức đạo Kiên nhẫn”. Suốt nửa thế kỷ, ông vững chí không lúc nào
quên mục đích.
So sánh Ibn Séoud với Mustapha Kémal thì cả hai đều gan dạ, có nghị lực
gang thép, có tài cầm quân, tổ chức, biết nắm lấy cơ hội, lợi dụng những
mâu thuẫn giữa các đế quốc Âu, Mỹ để khuếch trương, củng cố thế lực của
mình, nhưng Ibn Séoud mềm dẻo hơn nhiều, khôn khéo hơn nhiều, không
mắc những lỗi lớn, không mang tiếng là “quân độc tài sát nhân” như
Mustapha Kémal hồi về già, mặc dầu nhiều khi cũng phải dùng những
phương pháp cương quyết gần như khốc liệt. Coi nét mặt hai ông, ta cũng
thấy khác xa: Ibn Séoud tuy to lớn, lực lưỡng, cao tới hai thước năm phân,
mà vẻ mặt lại đôn hậu, mắt sâu mà sáng, môi dày, miệng mỉm cười hiền từ,
không mím chặt lại như Mustapha Kémal.
Sự nghiệp của hai ông cũng không giống nhau. Kémal sinh vào thời đế
quốc Thổ quá rộng mà suy tàn, phải cắt bớt đất đai đi để giữ lực lượng, rồi
tìm cách thống nhất những dân tộc khác nhau về ngôn ngữ, tôn giáo, phong
tục thành một khối chặt chẽ, sau cùng Âu hóa hoàn toàn khối đó để theo
kịp các nước văn minh. Ibn Séoud trái lại, sinh ở giữa một sa mạc mênh